Từ vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa: Vạch trần những bất cập trong phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ

1223

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về những bất cập còn tồn tại trong phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ trong vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán, với trường hợp này là thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment D/P). 

Thực tế, bên bán để cho bên mua có điều kiện lừa đảo vì khi đàm phán hợp đồng, có thể bên mua chưa nắm rõ nguồn gốc đối tác hay chưa thẩm định rõ đối tác hoặc thông qua môi giới, và bên bán hoàn toàn thiếu thông tin đối tác. Đây có thể là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.

1. Luật sư đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Trả lời:

Trong vụ việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment – D/P).

Theo phương thức này, doanh nghiệp điều tại Việt Nam sau khi làm thủ tục xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho hãng vận chuyển chứng từ, sau đó chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam, ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Ý, nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ gốc. Với bộ chứng từ này, người mua hàng có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc tại Việt Nam chuyển qua Ý đã “bốc hơi”.

Từ vụ việc này cho thấy, việc thiếu thông tin về đối tác có thể tạo ra một tâm lý chủ quan cho doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam, mở ra một lỗ hổng lớn từ sơ hở của bên bán cũng như điểm yếu của phương thức thanh toán D/P để bên đối tác lợi dụng và tiến hành hành vi lừa đảo. Điều cần làm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu điều là cần nhanh chóng liên hệ Thương vụ Việt nam tại Ý hoặc luật sư để có thể lấy lại được hàng.

2. Từ góc nhìn pháp luật, theo Luật sư, phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ đang được doanh nghiệp sử dụng có những ưu điểm và hạn chế như thế nào?

Trả lời:

  • Ưu điểm:
  • Có thể nhận thấy ưu điểm lớn nhất của phương pháp thanh toán D/P đó chính là cho người bán giữ quyền kiểm soát hàng cho đến khi người mua thanh toán hối phiếu.
  • Thủ tục của phương thức thanh toán D/P không quá lằng nhằng, có thể nói là dễ dàng đối với cả người mua và người bán.
  • Hối phiếu là bằng chứng chính thức, bằng văn bản, được chấp nhận ở hầu hết các tòa án, xác nhận rằng yêu cầu thanh toán (hoặc chấp nhận) đã được thực hiện cho người mua.
  • Hối phiếu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp tín dụng thương mại cho người mua.
  • Nhược điểm, rủi ro pháp lý có thể xảy ra:
  • Rủi ro lớn nhất có thể xảy ra chính là việc người mua có thể từ chối hàng hoá với lí do không chính đáng và không thanh toán. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng người bán không bao giờ được trả tiền trong khi phải quản lý việc trả hàng từ cảng nước ngoài. Mặc dù có giữ quyền kiểm soát về hàng hoá khi mua hàng, nhưng nếu bên mua không nhận hàng hoặc nhận hàng mà không trả tiền, sẽ dẫn tới những tranh chấp pháp lý, gây tổn hại đến thời gian, nhân lực cũng như tài chính của cả hai bên.
  • Ngân hàng của người xuất khẩu không chịu trách nhiệm thanh toán nếu người nhập khẩu từ chối Hối phiếu, từ đó dẫn đến việc bên bán không nhận được tiền thanh toán

3. Trong giao dịch, làm thế nào để hạn chế được những bất cập, hạn chế này, thưa ông?

Trả lời:

Để hạn chế được rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài cần thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại, cơ quan thương vụ, lãnh sự danh dự Việt Nam để tìm hiểu rõ thông tin về đối tác, đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

4. Trên thế giới, các phương thức giao dịch phổ biến là gì? Theo ông nên dùng phương thức nào để đảm bảo an toàn cũng cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp?

Trả lời:

Hiện nay, trên thế giới đang có khá nhiều phương thức thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, những phương thức phổ biến nhất bao gồm:

  • Phương thức ghi sổ – Open Account;
  • Phương thức nhờ thu – Collection, bao gồm: Phương thức nhờ thu trơn và phương thức nhờ thu kèm chứng từ (D/P hoặc D/A);
  • Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ – Letter of Credit;
  • Phương thức thanh toán Điện chuyển tiền (T/T).

Trên thực tế, không có một phương thức nào là không có lỗ hổng, là an toàn tuyệt đối cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh. Mỗi phương thức thanh toán lại có những ưu, nhược điểm khác nhau, dựa vào liệu doanh nghiệp là bên nhập khẩu hay bên xuất khẩu, hàng hoá trao đổi là gì, tình hình kinh tế, xã hội của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia ra sao mà các bên có thể thống nhất với nhau về phương thức thanh toán.

Điều quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro khi thực hiện giao dịch kinh doanh, đó chính ra rà soát thật kĩ hợp đồng, lường trước các tình huống có thể xảy ra, đặt ra các điều kiện thanh toán hoặc các chế tài mà hai bên cùng đồng ý trong trường hợp xảy ra trục trặc, tranh chấp. Từ đó doanh nghiệp có thể hạn chế rủi ro ngay từ bước giao kết hợp đồng.