Trách nhiệm của bên bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả tiền vay

432

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về tình huống Trách nhiệm của bên bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả tiền vay

Tình huống: Anh Trọng với anh Tài là bạn thân từ hồi còn khó khăn cho đến khi có chút thành công. Trong một lần làm ăn, cần huy động vốn, anh Tài đã thuyết phục anh Trọng đồng ý đứng ra bảo lãnh để mình vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, anh Tài vì làm ăn thua lỗ nên đã trốn nợ ngân hàng và phía ngân hàng đã tìm anh Trọng để bắt anh Trọng chịu trách nhiệm về tài sản mà anh Tài đã vay.

Luật sư tư vấn:

Quan hệ vay tiền là một quan hệ phổ biến hiện nay, tùy vào số tiền vay, bên cho vay sẽ yêu cầu bên vay phải thực hiện những biện pháp bảo đảm nhất định để bảo đảm rằng sẽ nhận lại được số tiền vay khi mà người vay tiền không có khả năng trả nợ. Bảo lãnh vay tiền là một trong số hình thức đó. Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Như vậy, khi đã thực hiện bảo lãnh cho anh Tài thì anh Trọng đã thực hiện cam kết với bên cho vay tiền (ngân hàng) rằng sẽ thực hiện nghĩa vụ trả tiền nếu khi đến hạn mà anh Tài không thể trả nợ. Đây là một ràng buộc pháp lý bởi một khi anh Trọng đã nhận bảo lãnh thì anh bắt buộc phải trả tiền nếu bên vay tiền không trả được nợ. Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định rõ về trách nhiệm của bên bảo lãnh như sau:

Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

“1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, bảo lãnh là trường hợp một người/tổ chức nhận bảo lãnh nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh để đảm bảo rằng bên được bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ đó. Trong trường hợp bên được bảo lãnh không thể thực hiện nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện thay. Đây là một thỏa thuận dân sự, cho nên một khi các bên đã thỏa thuận và đồng ý với nhau thì phải thực hiện theo thỏa thuận đó. Việc anh Tài nói rằng anh Trọng chỉ cần đứng ra bảo đảm cho anh Tài vay tiền mà không phải chịu nghĩa vụ gì là sai. Anh Trọng vẫn phải chịu nghĩa vụ khi anh Tài không trả được tiền ngân hàng nếu anh Trọng nhận bảo lãnh.

Anh Trọng phải trả xong số tiền đó thì anh Trọng mới có quyền yêu cầu ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, anh Trọng có quyền yêu cầu anh Tài hoàn trả lại số tiền đó theo quy định tại Điều 340 Bộ luật dân sự năm 2015 về Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh:

“Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Nếu anh Tài vẫn không thực hiện nghĩa vụ thì anh Trọng có thể khởi kiện anh Tài ra Tòa án để buộc anh Tài thực hiện nghĩa vụ.

Trong chương trình Hiểu đúng làm đúng trên kênh truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phân phân tích về hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới. Mời quý vị đón xem tại đây: