Tội phạm về quyền sở hữu công nghiệp theo Bộ luật hình sự

579

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được thực hiện bằng các biện pháp dân sự và hành chính, còn biện pháp hình sự chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp. Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hình sự hóa các tội phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đối với 2 nhóm tội: tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN (Điều 170); tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171).

a. Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Điều 170 quy định việc xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền trong việc cấp văn bằng bảo hộ mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Người phạm tội bị xử lý như sau: Cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

b. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Điều 171 Bộ luật Hình sự quy định chỉ xử lý hình sự đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại (Trường hợp vi phạm chưa thuộc phạm vi “quy mô thương mại” thì áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính để xử lý. Tuy nhiên, khái niệm “quy mô thương mại” hiện giờ vẫn chưa được làm rõ).

Các hành vi phạm tội xâm phạm quyền SHCN đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác (ngoài nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) đã được phi hình sự hoá để xử lý bằng các biện pháp khác.

Người phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý như sau: Bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm; Bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.