Rước họa vì … giải quyết mâu thuẫn bằng cách đe dọa giết người

463
thich-doa

Trong bài viết Rước họa vì … giải quyết mâu thuẫn bằng cách đe dọa giết người trên báo ANTĐ điện tử có trích dẫn ý của của luật sư Đặng Thành Chung, công ty luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

ANTĐ – Thời gian qua, do thiếu hiểu biết về pháp luật nên có không ít cá nhân giải quyết mâu thuẫn bằng cách… đe dọa giết người. Hậu quả là với hành vi này, một số đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong bài viết có trích dẫn ý kiến của luật sư công ty luật SB, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này.

 thich-doa
Những hành vi đe dọa giết người có thể bị phạt tù từ 2-7 năm
Ảnh minh họa: Ngọc Tuấn

Đe dọa người khác: Vào tù!

Ngày 18-7-2014, cơ quan CSĐT CAQ Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố đối với Hồ Thanh Hiếu (SN 1980, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) về hành vi đe dọa giết người. Theo CQĐT, gia đình Hiếu từ lâu đã phát sinh nhiều mâu thuẫn với nhà chị Nghiêm Thị H là hàng xóm. Sáng 13-7, trong lúc nói chuyện với Nguyễn Văn Y (người quen của chị H), Hiếu bị anh Y tát vào mặt. Do bực bội nên Hiếu đã thuê “xe ôm” đi mua  5 lít xăng đem về cất giấu, đợi cơ hội trả thù. Trưa cùng ngày, thấy nhà chị H đóng cửa, nghĩ mọi người đã đi vắng hết nên Hiếu về nhà lấy thang, bật lửa và can xăng 5 lít đem sang nhà chị H, bắc thang trèo lên ô thoáng ở tầng 1 định châm lửa đốt. Trong lúc Hiếu chuẩn bị phóng hỏa thì chị H và anh Y ở trong nhà nhìn thấy đã chạy ra kéo Hiếu xuống. Sau đó Hiếu cầm chai thủy tinh đập vào mặt anh Y rồi bỏ đi.

Trong một vụ án khác, ngày 28-5-2014, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm Trần Hùng về tội “Đe dọa giết người”. Theo cáo trạng, vào chiều 13-1-2014, sau khi được đàn em thông báo có một nhóm người của Công ty T.N đang chặt cây của Công ty Q.D do Hùng làm giám đốc tại khu vực thuộc ranh giới do đơn vị khác quản lý (đã hợp đồng cho Công ty T.N cải tạo mặt bằng). Khi đến nơi, Hùng thấy người do Công ty T.N thuê đang chặt cây (trong đó có anh K) nên xuống xe và rút khẩu súng bắn đạn cao su bắn một phát về phía nhóm anh K. Khi anh K cùng một số người bỏ chạy thì bị Hùng cùng đàn em đuổi theo chặn lại. Đàn em của Hùng bắt anh K quỳ xuống đường, còn Hùng lấy súng gí vào đầu anh K và đe dọa sẽ bắn chết. Anh K hoảng sợ van xin, một lúc sau Hùng mới cùng đàn em lên xe bỏ đi. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Hùng 18 tháng tù giam.

Trước đó, tại Hà Nội, Chu Viết Tuấn (SN 1973) ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình,  Hà Nội sau khi ra tù được bạn bè cho vay tiền để làm ăn. Do kinh doanh thua lỗ nên ngày 26-2-2014, Tuấn đến cửa hàng của anh L.C.T để xin tiền thì gặp anh B.T.H. Anh H bảo Tuấn đi thu nợ cùng, nếu được sẽ cho Tuấn tiền, song cả 3 lần đi đòi nợ vẫn không có kết quả nên Tuấn quay sang xin tiền anh H. Anh H không đồng ý khiến Tuấn tức tối nên đã lập một kế hoạch nhằm đe dọa, dằn mặt. Chiều 1-3-2014, Tuấn mang theo một khẩu súng cùng 4 viên đạn nhờ bạn chở đến nhà anh H. Do chỉ gặp cháu P, con anh H ở nhà nên Tuấn đã rút ra một khẩu súng ngắn màu bạc gí vào người cháu P, rồi lấy ra 4 viên đạn để vào tay P dọa: “Tao cho bố mày 1 viên, cho thằng T 1 viên”. Sau đó bố con anh H đã đến cơ quan công an trình báo. Cơ quan điều tra đã thu giữ 4 viên đạn do anh H giao nộp. Tại phiên xét xử ngày 14-8-2014, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Tuấn 6 năm tù giam về tội “Đe dọa giết người”.

Khó xử lý ?!

Về hành vi đe dọa giết người, luật sư Nguyễn Thành Chung – Công ty Luật SB cho biết, điều 103 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp đối với nhiều người, đối với trẻ em… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Đe dọa giết người bị coi là tội phạm khi hành vi đó khiến người bị đe dọa lo sợ. Hành vi này có thể là lời nói trực tiếp, qua điện thoại, thư từ… hoặc cử chỉ, việc làm cụ thể. Theo hướng dẫn trong Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tội này phải có dấu hiệu bắt buộc: Có hành vi đe dọa giết người. Nghĩa là phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật (nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ dao, súng…đe dọa), phải xem xét căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ một cách khách quan, toàn diện (thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, nội dung và hình thức đe dọa, tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa…).

Cũng theo luật sư Thành Chung, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ra sự lo sợ cho người khác, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Người phạm tội là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Dù pháp luật đã có quy định bảo vệ người bị đe dọa song việc xử lý đối tượng thực hiện hành vi trên không đơn giản do phụ thuộc vào việc đánh giá một số vấn đề: Mâu thuẫn giữa các bên có thật sự nghiêm trọng không, mức độ đe dọa đến đâu, người đe dọa có khả năng thực hiện lời đe dọa không, lời nói, hành vi của người đe dọa có khiến người bị đe dọa lo sợ thực sự..? Bên cạnh đó, không ít đối tượng thực hiện hành vi thiếu hiểu biết pháp luật, nạn nhân có quan hệ tình cảm với đối tượng nên không tố cáo, bị hại không có bằng chứng đầy đủ… Hơn nữa, trong một số trường hợp do hạn chế về người, phương tiện nên cơ quan có thẩm quyền chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn hành vi này…

Tuy vậy, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, khi bị người khác dùng lời nói, hình ảnh, tin nhắn hoặc thông qua cá nhân khác đe dọa xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân, nạn nhân phải nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng để được bảo vệ kịp thời, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý đối tượng phạm tội.