Chương trình truyền hình Xe và Giao Thông

410

Với ý thức trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mong muốn mọi người khi tham gia giao thông tuân thủ luật giao thông, đảm bảo an toàn cho mọi người, giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, công ty luật SBLAW đã cùng phối hợp với Truyền hình VOV tiến hành xây dựng chương trình Xe và Giao Thông.

Chương trình là nơi giải đáp các thắc mắc của khán thính giả về các tình huống giao thông trong thực tế, việc chấp hành pháp luật giao thông.

Trong chương trình tháng 11/2014, luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ trao đổi về những vấn đề sau:

Phóng viên: Trong thời gian đây, có nhiều vụ tai nạn xảy ra do phương tiện bị mất phanh. Đây cũng là hiện tượng mà ngay bản thân những người chủ phương tiện cũng không chủ động được. Theo ông, trong trường hợp như thế này, cụ thể là phương tiện bị mất phanh gây tai nạn cho người khác, lỗi này xử lý như thế nào?

​Trả lời: Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra trên thực tế để hành vi của lái xe bị xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng.
Hành vi của lái xe trong trường hợp này, theo luật được hiểu là hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ gây hậu quả là thiệt hại về người hoặc tài sản cho người khác.
Việc chủ phương tiện không chủ động được việc phương tiện bị mất phanh không được coi là yếu tố xem xét giảm nhẹ trách nhiệm của người lái xe.
Bởi lẽ khi điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ, người lái xe bắt buộc phải hiểu là mình có trách nhiệm phải chủ động điều khiển được nguồn nguy hiểm cao độ đó.
Các phương tiện giao thông – bản thân nó đã chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn khi được đưa vào tham gia giao thông, vì vậy pháp luật mới gọi đó là nguồn nguy hiểm cao độ.
Tùy thuộc vào ý thức của người lái xe mà hành vi đó được xếp vào lối vô ý hay lỗi cố ý.
Lỗi vô ý là khi người lái xe không nắm được tình trạng của phương tiện mà vẫn điều khiển nó, gây tai nạn.
Lỗi cố ý là khi người lái xe biết chắc chắn về tình trạng của phương tiện là đủ điều kiện để tham gia giao thông mà vẫn điều khiển nó và gây tai nạn.
Trách nhiệm trong trường hợp này sẽ bao gồm trách nhiệm về mặt hình sự, hành chính và trách nhiệm dân sự.
Trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ Luật hình sự, cụ thể theo các quy định sau:
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Điều 204. Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn
Điều 205. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ
Trách nhiệm hành chính là bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật giao thông đường bộ
Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm bồi thường về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người bị hại. ​
Phóng viên: Xe mất phanh cũng có thể do bộ phận này không được bảo dưỡng đúng cách hoặc lái xe không thực hiện thao tác đúng kỹ thuật, nhất là trên đường đèo dốc. Như vậy thì làm thế nào để xác định được nguyên nhân xảy ra tại nạn? Ở đây, lỗi có phải hoàn toàn do người lái xe?
Trả lời: Không khó để xác định nguyên nhân gây ra tai nạn. Kết quả khám nghiệm tại hiện trường và lời khai của lái xe hoặc người làm chứng sẽ là căn cứ để xác định nguyên nhân gây tai nạn.
Giám định kỹ thuật sẽ chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ chính phương tiện. Lời khai của lái xe hoặc người làm chứng sẽ là căn cứ xác định nguyên nhân do sự điều khiển của lái xe.
Cho dù xuất phát từ thao tác kỹ thuật, hay từ chính phương tiện, thì theo tôi, lỗi vẫn hoàn toàn thuộc về lái xe. Đã lên xe là phải đảm bảo xe đủ điều kiện để tham gia giao thông phù hợp với cung đường dự kiến sẽ đi. ​
Theo quy định tại Điều 204 Bộ Luật hình sự có quy định như sau:
TỘI ĐƯA VÀO SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN

1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Phóng viên: Khi tai nạn xảy ra với xe bị mất phanh, nếu người lái thuê hoặc thuê xe của người khác sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Tùy thuộc vào sự thỏa thuận của chủ xe với người lái xe (lái thuê hoặc người thuê xe để tự lái). Xu hướng là chủ xe sẽ thỏa thuận để người sử dụng xe phải chịu hết trách nhiệm.
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều trường hợp ko có bất cứ sự thỏa thuận nào được đưa ra trước khi chủ xe giao xe (trường hợp cho mượn xe) hoặc khi xảy ra sự cố, 2 bên ko thỏa thuận được, thì theo luật định (Bộ luật dân sự) chủ xe và lái xe cùng liên đới chịu trách nhiệm về trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự.
Còn trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự thì chỉ người lái xe là người trực tiếp gây ra tai nạn phải chịu. Trường hợp chứng minh được chủ xe có liên quan đến việc gây ra tai nạn thì sẽ được xếp vào hướng đồng phạm và cùng bị xử phạt hoặc xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, trong quy định của Bộ luật hình sự, tại điều 205 Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ, có quy định như sau:

1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.