Bị lừa mua mỹ phẩm giả thì người tiêu dùng phải làm sao?

672

Câu hỏi: Tôi là Khê. Tôi có đặt mua 01 hộp phấn với giá 1 triệu đồng. Khi mua hàng tôi có hỏi nếu tôi kiểm tra mà là hàng giả có được trả lại không thì shop X nói có và đảm bảo đó là hàng thật. Nhưng khi nhận hàng và kiểm tra thì lại là hàng giả tôi có liên hệ shop nói về vấn đề đó, nhưng shop lại không trả lời. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để nhận được bồi thường về việc mua hàng giả từ shop? Tôi có thể kiện shop vì tội lừa đảo không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Như thông tin như bạn cung cấp, bạn và người bán hàng có thực hiện hợp đồng mua hàng, theo đó, bạn đã thực hiện nghĩa vụ giao tiền nhưng bên bán hàng lại giao hàng không đúng như hợp đồng đã thỏa thuận trước đó. Vì vậy có thể xác định đây là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết, kèm theo đơn khởi kiện bạn cần cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ hợp đồng giữa hai bên.

Nếu bên kia vẫn không thực hiện theo đúng hợp đồng, có dấu hiệu lừa đảo thì theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy định như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Như vậy, trong trường hợp người bán hàng đã từng vi phạm thuộc một trong các điểm tại khoản 1 nêu trên thì dù số tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng (cụ thể là 1.000.000 đồng) thì người đó vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn nếu trong trường hợp người bán hàng chưa từng vi phạm các điểm trong khoản 1 nêu trên thì với số tiền là 1.000.000 đồng sẽ không đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trường hợp không đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, người nào dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; đồng thời sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Cùng với đó, bạn cần làm đơn tố cáo, đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan cảnh sát điều tra, trong đó cung cấp các thông tin mà bạn biết như họ tên, địa chỉ, facebook, các chứng từ, tin nhắn… để công an có manh mối điều tra xử lý.