Nhảy xuống hồ, nam thanh niên vẫn bị ném gạch đến chết

506
ném gạch đến chết

Trong bài viết Nhảy xuống hồ, nam thanh niên vẫn bị ném gạch đến chết trên báo ANTĐ có trích dẫn ý kiến của luật sư SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu lại nội dung bài viết:

ANTĐ – Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 9-10 CQĐT CATP Hà Nội  đã khởi tố vụ án giết người, tạm giữ 4 đối tượng về hành vi đuổi đánh khiến anh Nguyễn Đức Mạnh (SN 1996, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) tử vong dưới hồ. Về vụ việc này, chúng tôi đã trao đổi với một số luật sư, chuyên gia tâm lý để làm rõ một số vấn đề liên quan…

ném gạch đến chết

Có thể là tội phạm rất nghiêm trọng

Theo luật sư Đặng Thành Chung – Công ty Luật SB, 4 đối tượng bị tạm giữ gồm: Nguyễn Đăng Việt (SN 1995), Ngô Minh Hiếu (SN 1998), Dương Đức Trung (SN 1996) và Đỗ Mạnh Cường (SN 1998). Như vậy, CQĐT cần làm rõ Ngô Minh Hiếu và Đỗ Mạnh Cường đã đủ 16 tuổi hay chưa, hành vi của các đối tượng như thế nào. Nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm và dưới 16 tuổi, các đối tượng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 2 Điều 12-BLHS).

Theo Điều 93-BLHS về tội giết người, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người; Giết trẻ em; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức… Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 8-BLHS có phân định khái niệm về tội phạm như sau: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là đến mười lăm năm tù…

Đối chiếu với quy định về mức cao nhất của khung hình phạt ở Điều 93-BLHS, nếu hành vi của 4 đối tượng trên đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đó có thể là tội phạm rất nghiêm trọng vì mức cao nhất của khung hình phạt thấp nhất đối với Điều 93-BLHS là đến 15 năm tù. Đối với người chưa đủ 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu do cố ý và bị khởi tố ở khoản 2 Điều 93-BLHS. Cố ý phạm tội là phạm tội trong các trường hợp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Do có 2 đối tượng dưới 18 tuổi nên việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội áp dụng theo quy định tại chương X của BLHS. Trong trường hợp này ngoài việc căn cứ vào quy định về tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 và 48-BLHS thì khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn, áp dụng theo quy định tại Điều 74-BLHS. Cụ thể là với người từ đủ 16 tuổi – dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội,  nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Game bạo lực, tác hại khó lường

Theo những thông tin ban đầu, đối tượng gây ra cái chết của Nguyễn Đức Mạnh và ngay cả nạn nhân đều ít nhiều dính dáng, ham mê trò chơi điện tử. Về tác hại của các trò chơi mang tính bạo lực này, Tiến sỹ tâm lý Trần Tuấn cho rằng, chỉ cần bước vào bất kỳ quán “net” nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những thanh thiếu niên mặt mày hốc hác say sưa với các màn đánh đấm, chém giết như thật trong game, miệng không ngớt nói tục chửi bậy. Điều đáng nói là mặc dù tình trạng bạo lực trong nhà trường, các vụ án mạng liên tục gia tăng do ảnh hưởng bởi game bạo lực song các nhà sản xuất vẫn liên tục cho ra đời hàng loạt trò chơi với mức độ hung hãn, thú tính ngày càng cao. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có game thủ sẵn sàng ra tay giết người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ hay phạm tội để có tiền thỏa cơn nghiện.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, game có nội dung bạo lực không phù hợp với những người trẻ tuổi. Thanh thiếu niên cần được trải nghiệm các hình thức vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích hơn. Do đó, game bạo lực nên bị cấm hoàn toàn” – Tiến sỹ Trần Tuấn bày tỏ quan điểm.