Ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo An Ninh Thủ Đô về vấn đề cai nghiện ma túy

542

Trong bài viết “Cai nghiện ma túy bắt buộc đã rất cấp bách”  trên báo An Ninh Thủ  Đô có nêu ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật SBLAW, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:

ANTĐ – Trước kiến nghị của ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội về việc “Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để đảm bảo an toàn cho cộng đồng”, trao đổi với phóng viên ANTĐ ngày 5-11, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội hoàn toàn đồng tình và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ cấp bách để ổn định trật tự an toàn xã hội.

-Việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc đang vướng mắc nhất ở khâu nào, thưa ông?

Đúng như kiến nghị của CATP Hà Nội, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc từ đầu năm tới giờ không triển khai được trường hợp nào là do vướng mắc về mặt thủ tục. Quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 nêu rõ, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định, nhưng việc thực hiện rất khó khăn. Trước đó, khâu lập hồ sơ cũng phát sinh nhiều vướng mắc. Để lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện phải qua cơ quan y tế xét nghiệm, xác định dương tính với ma túy, khâu này cũng kéo dài 72 giờ. Sau khi có kết quả xét nghiệm thì chuyển về cơ quan công an lập hồ sơ, chuyển sang phòng Tư pháp thẩm định rồi đến phòng LĐ-TB&XH và cuối cùng phải chờ phán quyết của Toà án. Ngoài ra, theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3 – 6 tháng…

– Vậy để công tác cai nghiện bắt buộc hiệu quả thì nên áp dụng cách thức nào?

Một số khâu lập hồ sơ không cần áp dụng máy móc với mọi đối tượng. Tôi đồng tình với kiến nghị của Giám đốc CATP Hà Nội, với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, xét nghiệm ma túy dương tính, đã có trong danh sách quản lý người nghiện của địa phương, đã từng đi cai nghiện thì không cần phải theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy, không phải tổ chức giáo dục tại xã, phường mà lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc ngay. Khâu xét nghiệm của cơ quan y tế cũng nên giảm bớt thời gian thực hiện vì trước đây việc sử dụng kết quả test nhanh khá chính xác.

                      Dạy nghề cho học viên tại Trung tâm Chữa bệnh – GDLĐXH số VI, Sóc Sơn, Hà Nội

– Bên cạnh cai nghiện bắt buộc, Hà Nội còn có mô hình nào khác, thưa ông? 

Hà Nội vừa có đề án thành lập Trung tâm cai nghiện tự nguyện, dự kiến triển khai đầu năm 2015 tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 5. Một trong những điểm mới ở mô hình này là việc đề xuất, bổ sung chính sách hỗ trợ của thành phố vì đa phần gia đình và bản thân người nghiện thường không có khả năng tài chính để cai nghiện tại trung tâm. Với sự hỗ trợ này, công tác cai nghiện tự nguyện hy vọng sẽ có hiệu quả để có thể tiếp tục nhân rộng sang 3, 4 trung tâm nữa của Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tăng cường sử dụng biện pháp cai nghiện bằng methadone.

Hà Nội hiện có 10 trung tâm có chức năng cai nghiện, trong đó có 7 trung tâm cai nghiện bắt buộc và 3 trung tâm quản lý sau cai. Các trung tâm này đều đảm bảo chức năng quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Cần cơ chế đặc thù để giải quyết bức xúc của xã hội

“Hiến pháp 2013, điều 14 quy định quyền công dân chỉ được hạn chế trong những trường hợp cần thiết ví dụ như liên quan đến quốc phòng, an ninh; trật tự an toàn xã hội hay liên quan đến sức khỏe cộng đồng… Việc hạn chế quyền tự do của công dân trong trường hợp cai nghiện bắt buộc phải thông qua một quyết định của tòa án. Quy định này tiến bộ nhưng trong thực tế, do chúng ta chưa chuẩn bị các điều kiện đồng bộ nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Hiện nay, khi phát hiện người nghiện ma túy cần phải đưa đi cai nghiện bắt buộc mà phải qua một quy trình 37 ngày để lập hồ sơ thì tôi nói thật đến lúc đó không biết người nghiện đi đâu mất rồi. Đi vào thực tế mới thấy tầng tầng nấc nấc quy trình thủ tục như thế này là không phù hợp với thực tiễn. Chúng ta coi họ như người bệnh nhưng không thể xem như người bệnh bình thường. Đây là người bệnh rất dễ vi phạm pháp luật, ranh giới rất mong manh, ngay tức khắc họ có thể xâm phạm lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như trật tự an toàn xã hội tại các đô thị lớn, thậm chí ngay cả gia đình họ. Vì vậy, chúng ta cần giải pháp thực tế hỗ trợ tốt hơn người nghiện ma túy cũng như đảm bảo an toàn cho xã hội. Cần có các quy định đặc thù để sớm giải quyết các hạn chế, bất cập hiện nay”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội: Kiến nghị kịp thời và đầy nhân văn
“Cchiều 3-11, ĐBQH – Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CATP Hà Nội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, trong đó nêu rõ 2 phương án. Tôi hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, bởi nó vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa hạn chế những nguy cơ mất an toàn cho xã hội. Nếu kiến nghị này được thực hiện, chúng ta không những bảo vệ sức khỏe của chính người nghiện mà còn bảo đảm sự an toàn cho chính gia đình họ và những người xung quanh. Hơn nữa, việc đưa người nghiện đi cai nghiện cũng sẽ giúp họ học nghề, có nơi ở ổn định, tạo công ăn việc làm, từ đó hạn chế sự phát sinh tệ nạn xã hội. Đáng mừng là trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý quan điểm Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội cho thí điểm lập Trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để cắt cơn, giải độc và chuẩn bị các thủ tục để Toà án quyết định đưa các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú đến các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc kiến nghị với Quốc hội cho lùi việc thực hiện một số điều trong Luật Xử lý vi phạm hành chính trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các quy định này cho phù hợp với thực tiễn.