Câu hỏi: Chúng tôi đang muốn thành lập công ty 100% FDI làm về xử lý rác thải điện tử tại Việt nam. Chủ đầu tư sẽ là công ty ở Nhật Bản. Mong quý công ty tư vấn cho chúng tôi về trình tự, thủ tục, thời gian và chi phí dịch vụ về những thủ tục sau:
1. Xin giấy phép đầu tư, thành lập công ty.
2. Xin giấy phép xử lý chất thải điện tử
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, theo như thông tin mà bạn cung cấp, công ty bạn muốn thành lập là công ty 100% vồn đầu tư nước ngoài. Do đó, khi thực hiện việc thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, công ty bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đầu tư theo quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014.
Theo quy định tại Điều 37 Luật Đầu tư năm 2014:
“Điều 37. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do”.
Hồ sơ đăng kí đầu tư gồm:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
Đối với trường hợp này, công ty phải thành lập theo mô hình TNHH 1 thành viên. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, bạn cần tiến hành thủ tục đăng kí doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng kí thành lập công ty TNHH bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp
– Điều lệ công ty
– Danh sách thành viên
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự
– Bản sao giấy chứng nhận đăng kí đầu tư được cấp.
Theo quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng kí doanh nghiệp cho cơ quan đăng kí kinh doanh. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng kí doanh nghiệp có xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Doanh nghiệp:
“Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí”.
Thứ hai, đối với chất thải điện tử là một trong số những loại chất thải nguy hại được quy định tại Danh mục chất thải nguy hại. Do đó, để được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại, công ty của bạn phải làm thủ tục xin cấp phép xử lý theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT_BTNMT. Theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT_BTNMT, Hồ sơ đăng kí cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại gồm:
– Đơn đăng kí theo mẫu của BTNMT
– Một bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là báo cáo ĐTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư này
– Một bản sao văn bản về quy hoạch có nội dung quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
– Các giấy tờ pháp lý đối với trạm trung chuyển CTNH (nếu có) quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư này
– Các mô tả, hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (B.1) ban hành kèm theo Thông tư này.
– Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 (C) ban hành kèm theo Thông tư này. Kế hoạch vận hành thử nghiệm được đóng quyển riêng với bộ hồ sơ đăng ký.
Sau khi nộp 2 bộ hồ sơ trên đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trong thời hạn 20 ngày, cơ quan có thẩm quyền xem xét và cho phép vận ha hf thủ nghiệm bằng văn bản. Sau khi kết thúc thử nghiệm, doanh nghiệp được đề nghị cấp giấy phép gửi báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm và cơ quan có thẩm quyền tiến hành lấy ý kiến của Sở Tài nguyên Môi trường. Sau khi nộp báo cáo và có ý kiến của sở TNMT, trong thời hạn 25 ngày cơ quan cấp phép tiến hành kiểm tra, đánh giá. Nếu đạt yêu cầu và đủ hồ sơ hợp lệ thì được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Trong chuyên mục Bạn và pháp luật của radio Công an nhân dân phát thanh lúc 20h ngày 13/1/2017, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Những điểm mới về chế tài xử lý vi phạm môi trường theo Nghị định 155 của Chính phủ. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: