Luật Đầu tư và thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài

747
Thủ tục đầu tư ra nước ngoài
Thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Mời các bạn xem bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời báo Diễn đàn doanh nghiệp về thủ tục đầu tư ra nước ngoài trong dự thảo Luật đầu tư sửa đổi.

Sau đây là nội dung bài viết:

PV. Ông có đánh giá như thế nào về thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Luật Đầu tư trong những năm qua? (Có dễ dàng cho doanh nghiệp, còn điều gì gây khó…)

Trả lời:

Trong xu thế toàn cầu hoá, nước ta đang khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường khai thác, bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế và thiết lập các mối quan hệ với các quốc gia khác.

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đặc biệt là về thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Kể từ khi Nghị định số 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài được Chính phủ ban hành, việc mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của doanh nghiệp trong nước đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Nhờ đó, đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo được những dấu ấn nhất định.

Tuy nhiên, thực tiễn 05 năm thi hành Luật cho thấy vẫn còn một số vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ. Cụ thể là: Luật cũng chưa quy định cụ thể, minh bạch các lĩnh vực, ngành, nghề khuyến khích, cấm, hạn chế đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện; các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài còn một số nội dung chưa rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

PV: Sự thay đổi này đã tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua? (Làm tăng số lượng doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài…)

Trả lời:

Sự thay đổi này đã tạo nên rất nhiều những thành quả đáng kể trong những năm vừa qua và có một ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Khi mà trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 140,63 triệu USD, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 22 dự án, tổng vốn đầu tư là 61,46 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada…Những con số trên vô cùng ấn tượng cho thấy Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới vô cùng hiệu quả và góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài còn giúp cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi, trao đổi và tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến tăng tính năng động và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

PV: Việc duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận trên đang nhận được những ý kiến khác nhau. Theo ông, về lâu dài, chúng ta có nên hạn chế đầu tư ra nước ngoài?

Trả lời:

Đây là những vấn đề được nêu ra trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.  Việc có hay không nên hạn chế đầu tư ra nước ngoài từ lâu đã được xem xét bởi nhiều người lo ngại khi dịch chuyển tài sản ra nước ngoài có thể gây ra thất thoát nguồn lực trong nước.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận tích cực hơn khi xu hướng mở cửa hội nhập đang ngày càng rộng mở, nếu mong muốn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam thì nhà đầu tư Việt Nam cũng nên được tạo điều kiện đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta không nên hạn chế bằng những quy định gây khó khăn cho nhà đầu tư mà cần nhìn nhận tích cực bằng cách đặt ra những quy chế minh bạch, công bằng như qua những chính sách về thuế, phí.

PV: Trong trường hợp này, theo ông có nên hạn chế ngành nghề đầu tư ra nước ngoài không? Vì sao?

Trả lời:

Hoạt động đầu tư có rất nhiều vấn đề xoay quanh, đặc biệt ngành nghề là một trong những yếu tố hàng đầu khi nhà đầu tư dự định tiến hành đầu tư ra nước ngoài. Việc hạn chế ngành nghề đầu tư ra nước ngoài sẽ đi ngược lại quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, việc kiểm soát có thể trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực, đặc biệt như bất động sản cũng có những yêu cầu chặt chẽ bởi việc thanh khoản bất động sản thường không ổn định. Vì vậy, chúng ta trước hết cần tôn trọng quy luật quốc tế cũng như quyền kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam, sau đó tùy vào bối cảnh kinh tế để xem xét các danh mục ngành nghề đầu tư cần siết chặt điều kiện, đảm bảo công bằng cho cả nhà nước và nhà đầu tư.

PV: Dự thảo Luật Đầu tư đang tiếp tục được mang ra lấy ý kiến, ông có đóng góp ý kiến như thế nào để dự thảo được hoàn thiện hơn?

Trả lời:

Cho đến hiện tại Dự thảo đã sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật đầu tư năm 2014. Một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật gồm: cấm đầu tư kinh doanh, đầu tư kinh doanh có điều kiện, bảo đảm thống nhất, đồng bộ của Luật đầu tư với các luật có liên quan, … Hay như bãi bỏ danh mục quy định về chất ma túy và tiền chất; danh mục hóa chất, khoáng vật độc hại và danh mục động vật, thực vật hoang dã…

Tuy nhiên, sự chồng chéo trong thủ tục về đầu tư là 1 trong những yếu tố quan trọng phải xem xét, cụ thể là giai đoạn đăng ký, thẩm tra đầu tư.

Hiện nay tùy theo tính chất quy mô dự án mà nhà đầu tư phải giải trình các vấn đề về đất đai, xây dựng, môi trường, … sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư xong các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các thủ tục đó tại cơ quan khác.  Thiết nghĩ, các nhà làm luật cần phải xem xét kỹ các điều kiện thủ tục để tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.