Hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

526

Khi muốn yêu cầu xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các đối tượng có quyền yêu cầu xử lý vi phạm cần gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm và các chứng cứ, thông tin xác định vi phạm (nếu có) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Về Đơn yêu cầu xử lý vi phạm

Đơn yêu cầu cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Nêu rõ ngày làm đơn, tên cơ quan nhận đơn hoặc các cơ quan nhận đơn, thông tin về tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm; người đại diện hợp pháp hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền; đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan; hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm; tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm; biện pháp yêu cầu xử lý; chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền, dấu xác nhận chữ ký, nếu có; nếu trước đó đơn đã được gửi cho cơ quan khác thì phải ghi rõ tên cơ quan và ngày gửi đơn trước đó.

Đơn yêu cầu xử lý vi phạm phải kèm theo tài liệu chứng minh quyền yêu cầu xử lý vi phạm; tài liệu mô tả hoặc ảnh chụp hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm; địa điểm nơi có hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

+ Về chứng cứ, thông tin xác định vi phạm

– Bản sao các giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, chứng chỉ và các tài liệu khác được coi là hợp lệ nếu chủ thể quyền xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan cấp bản gốc. Cán bộ nhận hồ sơ ký xác nhận vào bản sao đã được đối chiếu với bản gốc và không cần có xác nhận của cơ quan công chứng hoặc cơ quan cấp các giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ đó.

– Bản giải trình của chủ thể quyền (về doanh thu, uy tín, quảng cáo, bằng chứng sử dụng rộng rãi, bản sao các giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ tại các nước khác) cung cấp cho cơ quan xử lý vi phạm được coi là hợp lệ nếu có cam kết chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung, thông tin của bản giải trình và chữ ký xác nhận và đóng dấu (nếu có) của chủ thể quyền hoặc người đại diện hợp pháp của chủ thể quyền. Nếu bản giải trình có nhiều trang thì chủ thể quyền phải ký nháy vào từng trang hoặc đóng dấu giáp lai vào các trang (nếu có).

– Các tài liệu, mẫu vật, chứng cứ khác để hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm và hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

Người yêu cầu xử lý vi phạm có thể thực hiện dịch vụ yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, yêu cầu cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp cung cấp ý kiến chuyên môn về xác định phạm vi bảo hộ và yếu tố vi phạm, chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi xâm phạm hoặc làm rõ các tình tiết của vụ việc.