Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về tình huống Vô ý giết người. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Anh Tài với anh Trọng có sở thích bắn chim, trong một lần lên đê rình bắn chim ở trên cây, anh Thắng đã vô ý bắn vào người anh Trọng đang đứng gần đấy khiến anh Trọng thiệt mạng. Chị Hoa vợ anh Thắng sợ hãi đã tìm đến luật sư xin tư vấn.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, với hậu quả làm chết người của hành vi sử dụng súng săn:
Đối với hành vi trên của anh Thắng đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là làm chết người, do đó hành vi này anh Thắng sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể anh Thắng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) vì trong trường hợp này anh Thắng đã vô ý bắn vào người anh Trọng khiến anh Trọng thiệt mạng. Theo đó:
“Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.
Như vậy, trong trường hợp này anh Thắng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng súng săn
Đối với hành vi sử dụng súng săn trên của anh Thắng là trái quy định của pháp luật, cụ thể theo Điều 5 Luật quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ năm 2017 thì những hành vi sau sẽ bị nghiêm cấm:
“1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ …”.
Với hành vi trên anh Thắng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ Khoản 3 Điều 10 Nghị định 167/2013 NĐ – CP:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;”.
Ngoài ra sẽ bị áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung theo điểm a, khoản 8, Điều 10 của Nghị định này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hậu quả làm chết người
Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Với hậu quả trên anh Thắng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho gia đình anh Trọng. Và cụ thể trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 601 BLDS:
“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Vì hành vi sử dụng vũ khí dẫn tới hậu quả chết người, vì thế nên anh Thắng phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại được xác định cụ thể như sau:
“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Trong chương trình Hiểu đúng làm đúng trên kênh truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phân phân tích về hành vi trục lợi bảo hiểm xe cơ giới.
Mời quý vị đón xem tại đây: