Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có bài viết đóng góp ý kiến về nội dung Nghị định này gửi báo Diễn đàn doanh nghiệp.
Sau đây là nội dung bài viết:
Nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng đã được Chính phủ ban hành bằng Nghị định số 70/2000/NĐ-CP ngày 21/11/2000. Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện, những quy định của Nghị định 70/2000/NĐ-CP đến nay vẫn chưa bao quát hết yêu cầu thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như cân đối với các quy định khác của pháp luật.
Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 70 nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng: Tạo cơ sở pháp lý để việc giữ bí mật và việc cung cấp thông tin được thực hiện thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền riêng tư cá nhân, thông tin khách hàng được pháp luật bảo vệ, phù hợp với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP nêu rõ: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng, đảm bảo các thông tin khách hàng được giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp theo đúng các quy định của pháp luật. tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin về mật khẩu truy cập của khách hàng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng.
Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân không phải là khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cung cấp, không được để bên thứ ba sử dụng thông tin khách hàng mà mình có được vào bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của khách hàng.
Dự thảo đã tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn còn một số điều khoản quy định chưa rõ ràng, dẫn đến khó hiểu. Cụ thể:
Khoản 5 Điều 3 Dự thảo quy định:
“thông tin về tài sản gửi của khách hàng là các thông tin về tài sản của khách hàng …. thông tin định danh khách hàng; tên loại tài sản; giá trị tài sản (nếu có) và các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản của khách hàng”.
Khái niệm “công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản của khách hàng” là chưa rõ ràng và khá khó hiểu, do đó có thể gây khó khăn trong quá trình áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng rõ ràng, dễ hiểu hơn.
“Thông tin định danh khách hàng”: điểm b khoản 7 quy định “đối với khách hàng là tổ chức” phải cung cấp thông tin “chủ tài khoản của tổ chức”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 32/2016/TT-NHNN thì “chủ tài khoản của tổ chức là tổ chức mở tài khoản. Người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi chung là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện”.
Như vậy, quy định vừa yêu cầu cung cấp thông tin định danh của tổ chức (tên giao dịch, địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại, … ) vừa yêu cầu cung cấp thông tin chủ tài khoản của tổ chức là trùng lặp.