Zaza và những lần vi phạm bản quyền gây nhiều tranh cãi

Mặc dù là một thương hiệu được yêu thích trên thế giới nhưng Zaza đã không ít lần dính vào nghi vấn đạo nhái thiết kế của thương hiệu từ nhỏ đến lớn. Dưới đây là những lần vi phạm bản quyền gây nhiều tranh cãi.

Zaza bị kiện vì sao chép họa tiết

Nhà thiết kế Nam Phi Laduma Ngxokolo, người sáng lập thương hiệu Maxhosa by Laduma đã gặp các luật sư của anh và cáo buộc Zara – gã bán lẻ thời trang khổng lồ quốc tế – vi phạm bản quyền.

Cụ thể, Laduma cho biết Zara đã sao chép một trong những mẫu họa tiết của công ty Maxhosa by Laduma.

Laduma nói: “Zara chiếm đoạt và sao chép những mẫu họa tiết này trên sản phẩm tất mới. Hãng này chia sẻ đây là dòng tất mới bán chạy nhất trên cửa hàng trực tuyến của họ. Họa tiết trên tất của Zara giống với hoa văn trên áo cardigan của chúng tôi được ra mắt vào tháng 3/2014 tại tuần lễ thời trang Mercedes-Benz ở Johannesburg, Nam Phi”.

Anh chia sẻ thêm: “Chiếc áo len vẫn có sẵn trên cửa hàng trực tuyến của chúng tôi và đang trên đường chinh phục toàn cầu. Dòng cardigan này vẫn là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi”.

Laduma cho biết công ty của anh đã nhờ tới các luật sư để có cách xử lý vấn đề này. Anh nói: “Các luật sư đã gửi thư cho Zara thông báo về việc vi phạm bản quyền và đưa ra các yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi làm cách này để tránh việc các sản phẩm của mình bị chiếm đoạt và điều chỉnh mà không có sự đồng ý hoặc cho phép”.

Laduma khẳng định: “Chúng tôi coi trọng vấn đề vi phạm bản quyền và có nhận thức đầy đủ về các quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi muốn cảm ơn các khách hàng đã gửi bằng chứng về vấn đề vi phạm này. Dù thắng kiện hay không, chúng tôi vẫn quyết định đưa vụ việc này ra trước pháp luật”.

Zaza đạo nhái mẫu thiết kế của Kanye West

Bộ sưu tập Yeezy 3 mà Kanye West thực hiện đang gây sốt trên toàn thế giới. Nam ca sĩ đã đưa phong cách “cái bang” trở nên cực sành điệu. Tuy nhiên bộ sưu tập liên tục cháy hàng và giá cả của chúng cũng không hề rẻ.

Nắm bắt được xu hướng, Zara đã ngay lập tức copy lại một số mẫu trong bộ sưu tập của Kanye West. Hãng thời trang bình dân này luôn có cách copy rất khéo để không phải giải quyết hậu quả. Họ không bắt chước 100% mà lấy đi những gì đặc trưng như chi tiết rách rưới, kiểu vải, phom dáng và cả những tông màu tương tự.

Nhiều tín đồ của Yeezy đã khẳng định họ sẽ không tiếp tay cho trò “chôm chỉa”  Zara. Không ít người khẳng định sẽ tẩy chay những thiết kế copy dù chúng có giá rất hợp túi tiền.

Nhái ồ ạt các thiết kế của Celine

Celine là thương hiệu cao cấp bị Zara sao chép ý tưởng nhiều nhất đến nỗi nhiều người còn nói vui rằng: Zara là phiên bản giá rẻ của thương hiệu Celine. Đáng nhớ nhất là năm 2013, Zara đã gây xôn xáo với bộ sưu tập được cho là nhái toàn tập các thiết kế của thương hiệu của Celine.

Rất có thể những sản phẩm của Celine đều mang tính ứng dụng cao, thanh lịch, tối giản rất “đúng ý” với những chuyên gia sáng tạo của Zara nên thương hiệu này luôn nằm trong tầm ngắm “sao chép”.

Copy trắng trợn họa tiết của Sibling

Thương hiệu Sibling được phen giận tím mặt khi Zara hồn nhiên ăn cắp mẫu hoa văn rất đẹp của hãng và in lên sản phẩm giá thấp. Mẫu hoa văn này được họa sĩ Chad Wys thiết kế riêng cho Sibling và hãng phải trả một giá không rẻ để có nó.

Nhà thiết kế của Sibling đã thẳng thắn chia sẻ họ hoàn toàn không hài lòng: “Đó không phải trò vui đâu!”.

Moschino hậm hực vì Zaza

Moschino từng gây tiếng vang với những thiết kế mang phong cách búp bê barbie với những mẫu chữ Moschino được in trên áo làm biểu tượng.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Zara đã bê nguyên xi mẫu chữ này lên các thiết kế của mình nhưng với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Điều này ít nhiều ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của Moschino.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Nguồn: http://nhanhieuviet.gov.vn/vn/tin-tuc/zaza-va-nhung-lan-vi-pham-ban-quyen-gay-nhieu-tranh-cai-84377.phtml

Những vụ tranh chấp bản quyền của Microsoft gây xôn xao làng công nghệ

Microsoft kiện Austnam vi phạm bản quyền phần mềm, Microsoft kiện một địa chỉ IP vì kích hoạt lậu hơn 1000 bản Windows và Office, Microsoft kiện Community Health Systems vì vi phạm bản quyền và các điều khoản trong hợp đồng… chính là những vụ tranh chấp bản quyền đình đám nhất của ông lớn làng công nghệ này.

Microsoft kiện Austnam vi phạm bản quyền phần mềm

Cụ thể, vào ngày 31/7/2013, Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 của Bộ Công an tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính tại Công ty cổ phần Austnam, có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra 22 máy tính đang hoạt động tại công ty này.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Austnam chỉ xuất trình được 5 giấy cấp phép quyền sử dụng Microsoft Window XP và 5 giấy cấp phép quyền sử dụng Microsoft Office 2003 cùng các chứng từ thanh toán đi kèm. Tuy nhiên, đoàn thanh tra đã phát hiện ra công ty này sao chép và sử dụng nhiều phần mềm máy tính không có giấy cấp phép quyền sử dụng của Microsoft, Autodesk, Adobe và Lạc Việt với tổng trị giá các phầm mềm bị sử dụng trái phép lên tới 42.256 đô la Mỹ – tương đương khoảng 900 triệu đồng Việt Nam. Austnam đã thừa nhận hành vi vi phạm đối với các phần mềm bất hợp pháp được tìm thấy và đã ký vào biên bản thanh tra.

Sau hơn một năm đàm phán mua bản quyền phần mềm không thành công, Tập đoàn Microsoft đã quyết định đệ đơn kiện Austnam ra tòa và đã được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội chấp nhận thụ lý vụ án.

Microsoft kiện một địa chỉ IP vì kích hoạt lậu hơn 1000 bản Windows và Office

Microsoft đã bất ngờ kiện một địa chỉ IP vì có hành vi kích hoạt bản quyền Windows, Office lậu.

Cụ thể, trong đơn kiện, hãng Microsoft nêu rõ, địa chỉ IP (73.21.204.220) xuất phát từ văn phòng của hãng Comcast tại New Jersey, Mỹ đã bị một cá nhân hoặc nhóm người có biệt danh là John Does 1-10 sử dụng để kích hoạt trái phép không dưới 1000 lần bản sao phần mềm.

Những phần mềm bị kích hoạt trái phép gồm Windows 7, 8, 10 và Microsoft Office Professional Plus 2010.

Microsoft kiện Community Health Systems vì vi phạm bản quyền và các điều khoản trong hợp đồng

Community Health Systems (CHS) là một công ty thuộc Fortune 500 có trụ sở tại Franklin, Tennessee, Hoa Kỳ. Đây là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe – bệnh viện đa khoa lớn nhất Hoa Kỳ về số lượng cơ sở vật chất hiện đại.

Gần đây, CHS đang bị Microsoft kiện vì vi phạm bản quyền cũng như điều khoản hợp đồng khi tiếp tục sử dụng công nghệ của Microsoft cho các bệnh viện đã bị bán trước đó.

Trong những tháng gần đây, CHS đã cắt giảm chi phí trong nỗ lực khôi phục lại một phần nền tảng tài chính của mình. CHS đã bán được hơn 30 bệnh viện trong hơn một năm và vẫn tiếp tục bán thêm trong tương lai.

Trong thỏa thuận giữa 2 bên, Microsoft không đồng ý cho 126 bệnh viện (đã được CHS bán trước đó ) có quyền phân phối, cấp phép, cho thuê, mượn hoặc lưu trữ bất kỳ phần mềm nào của Microsoft. Mặc dù vâỵ, CHS vẫn cố ý tạo điều kiện cho các bệnh viện này sử dụng phần mềm của Microsoft.

Microsoft bị bộ tộc da đỏ kiện vi phạm bản quyền

Theo Business Insider, bộ lạc St.Regis Mohawk đã kiện hai công ty công nghệ Amazon và Microsoft do vi phạm bằng sáng chế liên quan đến siêu máy tính họ nhận được từ SRC Labs, đồng nguyên đơn trong vụ kiện.

Đáng chú ý, vụ kiện mới chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch và yêu sách của bộ lạc da đỏ St.Regis Mohawk nhằm đòi quyền miễn trừ, đó là một án lý nghiêm cấm các cơ quan có thẩm quyền kiện họ ra tòa dân sự.

Quyền miễn trừ cũng cho phép SRC và bộ lạc Mohawk có thể phản đối các bằng sáng chế, hoặc thách thức mọi công ty nào, bất kể là Amazon hay Microsoft.

Bác đơn kiện của Microsoft với công ty bán phần mềm trái phép

Được biết, tháng 8/2015, Microsoft đã đệ đơn yêu cầu bồi thường vi phạm bản quyền và thương hiệu đối với công ty Destined Design, tại tòa án quận Đông của California.

Công ty sở hữu các nhãn hiệu “Microsoft”, “Microsoft Office”, “Outlook” và một số tên khác, do cơ quan sở hữu công nghiệp và sáng chế Hoa Kỳ cấp.

Theo đơn kiện, vào năm 2014, Microsoft đã yêu cầu Destined Design dừng phân phối các sản phẩm trái phép, nhưng công ty vẫn tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, các bị cáo chỉ ra rằng, họ phân phối phần mềm Microsoft chính hãng, bao gồm nhưng không giới hạn các phiên bản tải về của Microsoft Office. Tuy nhiên, phần mềm Microsoft và các thành phần được phân phối bởi bị cáo là thực sự trái phép và vi phạm”.

Cuối tháng 1/2017, hai bên đã thống nhất giải quyết.

Tòa án đã ra lệnh công ty Destined Design không được sao chép hoặc bán trái phép các chương trình phần mềm, linh kiện và các thảo ước cấp phép người dùng cuối (end-user licence agreements).

Ngày 16/2, thẩm phán quận đã tuyên bố bác đơn kiện. Mỗi bên sẽ chịu lệ phí và chi phí luật sư riêng của mình.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Nguồn: http://nhanhieuviet.gov.vn/vn/chia-se-kinh-nghiem/nhung-vu-tranh-chap-ban-quyen-cua-microsoft-gay-xon-xao-lang-cong-nghe-84400.phtml

Bị lừa mua mỹ phẩm giả thì người tiêu dùng phải làm sao?

Câu hỏi: Tôi là Khê. Tôi có đặt mua 01 hộp phấn với giá 1 triệu đồng. Khi mua hàng tôi có hỏi nếu tôi kiểm tra mà là hàng giả có được trả lại không thì shop X nói có và đảm bảo đó là hàng thật. Nhưng khi nhận hàng và kiểm tra thì lại là hàng giả tôi có liên hệ shop nói về vấn đề đó, nhưng shop lại không trả lời. Xin hỏi: Tôi phải làm sao để nhận được bồi thường về việc mua hàng giả từ shop? Tôi có thể kiện shop vì tội lừa đảo không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Như thông tin như bạn cung cấp, bạn và người bán hàng có thực hiện hợp đồng mua hàng, theo đó, bạn đã thực hiện nghĩa vụ giao tiền nhưng bên bán hàng lại giao hàng không đúng như hợp đồng đã thỏa thuận trước đó. Vì vậy có thể xác định đây là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết, kèm theo đơn khởi kiện bạn cần cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ hợp đồng giữa hai bên.

Nếu bên kia vẫn không thực hiện theo đúng hợp đồng, có dấu hiệu lừa đảo thì theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy định như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Như vậy, trong trường hợp người bán hàng đã từng vi phạm thuộc một trong các điểm tại khoản 1 nêu trên thì dù số tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng (cụ thể là 1.000.000 đồng) thì người đó vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn nếu trong trường hợp người bán hàng chưa từng vi phạm các điểm trong khoản 1 nêu trên thì với số tiền là 1.000.000 đồng sẽ không đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trường hợp không đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, người nào dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; đồng thời sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Cùng với đó, bạn cần làm đơn tố cáo, đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan cảnh sát điều tra, trong đó cung cấp các thông tin mà bạn biết như họ tên, địa chỉ, facebook, các chứng từ, tin nhắn… để công an có manh mối điều tra xử lý.

Con có nghĩa vụ phải trả nợ thay bố mẹ đã qua đời không?

Câu hỏi: Cuối năm 2017, bố mẹ tôi có vay ngân hàng một khoản tiền là 100 triệu đồng. Hai tháng sau, bố mẹ tôi mất do tai nạn giao thông. Trong hợp đồng vay không quy định về nghĩa vụ trả nợ của người thừa kế trong trường hợp bố mẹ tôi mất. Vậy cho tôi hỏi, nay ngân hàng đòi nợ tôi có phải có trách nhiệm trả nợ khoản tiền vay của bố mẹ tôi không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Căn cứ theo quy định trên, khi bố mẹ bạn mất mà để lại di sản thì những người thừa kế sẽ phải có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ mà bố mẹ bạn có. Tuy nhiên, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản này sẽ chỉ được thực hiện trong phạm vi di sản mà người đó được hưởng. Trong trường hợp không có di sản để lại thì người thừa kế không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do bố mẹ bạn để lại.

Chẳng hạn như khi mất bố mẹ của bạn để lại tài sản trị giá 200 triệu thì 200 triệu đó sẽ phải đem đi thanh toán khoản nợ 100 triệu trước sau đó 100 triệu còn lại mới được chia thừa kế cho những người được thừa kế.

– Trong trường hợp bố của bạn có để lại di chúc và di chúc hợp pháp thì những người thừa kế được chia tài sản trong di chúc sẽ là những người phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ 100 triệu này.

Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Căn cứ theo quy định trên, những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc vẫn sẽ được hưởng di sản dù họ không được lập di chúc cho hưởng di sản, vì vậy họ cũng là người có trách nhiệm thanh toán khoản nợ do người mất để lại.

– Trong trường hợp bố mẹ bạn mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trong trường hợp này, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm bạn và các anh chị em sẽ đều có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ do bố mẹ bạn để lại.

Như vậy, chỉ trừ trường hợp bạn là người duy nhất được hưởng di sản của bố mẹ bạn thì bạn mới phải một mình chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ 100 triệu nêu trên.

Thời hạn giải quyết đơn phương ly hôn là bao lâu?

Câu hỏi: Tôi là Thắng. Tôi muốn đơn phương ly hôn vợ. Xin hỏi: Nếu trong quá trình tòa triệu tập, vợ tôi nhất định vắng mặt thì việc xin ly hôn của tôi có được giải quyết không? Thời hạn để Tòa án giải quyết là bao lâu?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo trình tự giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. 

Hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và nếu các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay. Nếu vợ bạn vắng mặt thì việc hòa giải không tiến hành được.

Căn cứ Điều 227, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự :

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

Như vậy, trước hết vợ chồng bạn sẽ được tòa triệu tập để tiến hành hòa giải. Trường hợp tòa triệu tập lần thứ 2 nhưng vợ bạn vẫn không đến mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và không có người đại diện tham gia phiên toà thì Toà án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt vợ bạn.

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thời hạn chuẩn bị xét xử:

Điều 203. Thời hạn chuẩn bị xét xử:

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

4. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Như vậy, thời hạn giải quyết việc đơn phương ly hôn tối đa là 04 tháng, nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì được gia hạn nhưng không quá 02 tháng. Trong thời hạn 01 tháng kế từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng, thời hạn này là 02 tháng.

Sau bao lâu chủ đầu tư phải bàn giao sổ hồng cho người mua nhà chung cư?

Câu hỏi: Mình là Hồng Anh. Mình có mua nhà chung cư. Xin hỏi: Sau bao lâu thì chủ đầu tư phải bàn giao sổ hồng cho mình? Nếu sau thời hạn đó chủ đầu tư không bàn giao sổ hồng thì mình cần làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 4 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về vấn đề này như sau:

“Điều 13. Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản

…………

4. Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận”.

Như vậy, căn cứ quy định trên, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bạn nhận bàn giao nhà thì chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cho bạn, trừ trường hợp bạn có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Luật nhà ở năm 2014 có quy định như sau:

“Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gai đình, cá nhân trong nước, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài …

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; …”.

Điều 9. Công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó. Nhà ở được cấp Giấy chứng nhận phải là nhà ở có sẵn…”.

Như vậy, bạn là người Việt Nam sở hữu nhà hợp pháp thông qua hợp đồng mua chung cư, do đó, căn cứ quy định trên thì bạn có đủ điều kiện để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Theo đó, trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bạn hoặc bạn có nhu cầu tự mình thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận thì bạn có thể yêu cầu chủ đầu tư bàn giao giấy tờ, tài liệu cần thiết để tự mình làm thủ tục xin cấp sổ hồng. Cụ thể thủ tục xin cấp sổ hồng được thực hiện như sau:

Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai như sau:

“Điều 72. Trình tự, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở

3. Chủ đầu tư dự án nhà ở có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thay cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký”.

Hồ sơ gồm có:

– Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở, công trình xây

dựng theo quy định của pháp luật;

– Biên bản bàn giao nhà, đất, công trình xây dựng.

* Nộp hồ sơ này đến cơ quan có thẩm quyền: Cụ thể, căn cứ Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trong trường hợp địa phương bạn có văn phòng đăng ký đất đai theo quy định thì bạn sẽ nộp hồ sơ đến đó và Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra hồ sơ và trình Sở Tài Nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bạn nếu hồ sơ hợp lệ; trường hợp địa phương không có văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Hợp đồng tặng cho bất động sản có bắt buộc phải công chứng, chứng thực?

Câu hỏi: Mẹ tôi có một mảnh đất thổ cư muốn cho tôi. Năm ngoái, mẹ tôi có viết giấy tay tặng cho tôi mảnh đất này. Đầu năm 2018, tôi có cầm sổ đỏ và giấy tờ viết tay của mẹ tôi đi làm thủ tục sang tên thì bên địa chính xã nói rằng không được. Vì giấy này không có chứng thực, cần làm lại hợp đồng tặng cho. Không biết bên địa chính trả lời vậy có đúng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đồng thời, Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 459. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Căn cứ quy định trên, để một hợp đồng tặng cho có giá trị pháp lý bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực. Nếu không có công chứng hoặc chứng thực thì hợp đồng tặng cho của mẹ bạn cho bạn sẽ bị vô hiệu. Do đó, bên địa chính trả lời như vậy là có cơ sở.

Điều kiện để được kinh doanh ngành nghề xuất khẩu lao động

Câu hỏi: Bên tôi đang có nhu cầu thành lập công ty xuất khẩu lao động. Xin hỏi: Bên tôi phải đáp ứng những điều kiện gì? và thủ tục ra sao?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện được kinh doanh ngành nghề xuất khẩu lao động:

Tổ chức có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động:

-Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng;

-Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

-Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

-Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;

-Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ. Mức ký quỹ mà Chính phủ quy định là 1 (một) tỷ đồng.

Thứ hai, về thủ tục thành lập công ty xuất khẩu lao động:

Tổ chức muốn thành lập công ty xuất khẩu lao động thực hiện theo quy trình sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch và đầu tư

Hồ sơ thành lập công ty xuất khẩu lao động bao gồm các tài liệu sau:

-Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

-Điều lệ công ty;

-Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);

-Bản sao các giấy tờ: bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiều hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập; Bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức;

-Các giấy tờ cần thiết khác (nếu có);

Sau khi nộp hố sơ tại sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ và đầy đủ thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Công bố thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Nội dung công bố bao gồm: Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Ngành nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập.

Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu

Doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện khắc dấu và thông báo mẫu con dấu với Sở kế hoạch và đầu tư.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bước 4: Xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa được phép hoạt động xuất khẩu lao động ngay mà phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động tại Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ lao động – thương binh và xã hội.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm các tài liệu sau:

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

3. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn pháp định 5 tỷ đồng theo quy định;

4. Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ 1 tỷ đồng;

5. Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

6. Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

7. Phương án tổ chức (đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài) – Mở xem hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; – Mở xem

8. Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao;

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép cho doanh nghiệp.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hàng may mặc, dệt may

 Câu hỏi: Tôi là Hường. Bên tôi đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất hàng may mặc, dệt may. Xin hỏi: Bên tôi phải làm những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Bước 1: Đăng ký đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp mới phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại Cơ quan có thẩm quyền.

Nhà đầu tư nộp 01 Bộ hồ sơ đề nghị đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở. Hồ sơ bao gồm:

-Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

-Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

-Đề xuất dự án đầu tư;

-Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

-Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển;

-Bản sao báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;

-Hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc Hợp đồng liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Phòng chuyên môn thụ lý, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trình Lãnh đạo Sở phê duyệt kết quả giải quyết hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Bước 2: Đăng ký doanh nghiệp

Nhà đầu tư chuẩn bị 01 Bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa của Sở kế hoạc và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, dệt may bao gồm:

-Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

-Điều lệ công ty;

-Bản sao các giấy tờ: Đối với cá nhân: Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân; Đối với tổ chức: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức;

-Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);

Sau khi nộp hố sơ tại sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ và đầy đủ thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Nội dung công bố bao gồm: Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Ngành nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập.

Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu

Doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện khắc dấu và thông báo mẫu con dấu với Sở kế hoạch và đầu tư.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bước 4: Thủ tục cần làm sau khi thành lập công ty

-Treo biển tại trụ sở công ty

-Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp và thông báo với Sở kế hoạch và đầu tư

-Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử

-Kê khai và nộp thuế môn bài

-In và đặt in hóa đơn

-Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.

Hiện nay lệ phí để thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?

Câu hỏi: Tôi là Dương, ở Hà Nội. Qúy công ty cho tôi hỏi: Hiện nay lệ phí để thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định của Thông tư số 215/2016/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 130/2017/TT-BTC) của Bộ Tài chính khi doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty phải nộp một số các loại lệ phí như sau:

Stt Nội dung Đơn vị tính Mức thu
1 Lệ phí đăng ký doanh nghiệp
a Đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Đồng/lần 100.000
b Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp Đồng/hồ sơ 50.000
2 Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp
a Cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh Đồng/bản 20.000
b Cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp Đồng/bản 40.000
c Cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp Đồng/báo cáo 150.000
d Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp Đồng/lần 300.000
đ Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên Đồng/tháng 4.500.000

 

 Lưu ý về dịch vụ cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp từ cơ quan quản lý doanh nghiệp như sau:

Cung cấp báo cáo tổng hợp về đăng ký doanh nghiệp bao gồm: Báo cáo tổng hợp về người thành lập, quản lý doanh nghiệp trong 03 năm; Báo cáo tổng hợp về lịch sử doanh nghiệp trong 03 năm; Báo cáo tổng hợp về thông tin đăng ký doanh nghiệp mới nhất; Báo cáo thống kê về danh sách doanh nghiệp; Báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong 03 năm; Danh sách 100 doanh nghiệp theo yêu cầu; Các sản phẩm thông tin khác được xây dựng trên cơ sở chiết xuất, tổng hợp dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản: Là việc cung cấp thông tin doanh nghiệp cho một tài khoản được đăng ký trước tại Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác và tổng hợp thông tin đăng ký doanh nghiệp với số lượng lớn, trong một thời gian dài.

Có thể nói, hiện nay nhằm hỗ trợ các công ty thành lập, khởi nghiệp, lệ phí nhà nước khi thành lập công ty đã thay đổi đáng kể theo hướng ngày càng tiết kiệm hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời hỗ trợ tối đa nhu cầu thu thập thông tin doanh nghiệp đối với các công ty có nhu cầu.

Thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề và xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Câu hỏi: Mình là Thành, ở Hà Nội. Bên mình đang có nhu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh lữ hành quốc tế và xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Qúy công ty vui lòng tư vấn thủ tục và báo giá giúp mình.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW Qúy Khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Chúng tôi được biết Khách hàng đang có nhu cầu được một công ty tư vấn chuyên nghiệp tư vấn và hỗ trợ thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề và xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Do đó, SBLaw xin gửi đến Khách hàng bản đề xuất dịch vụ nội dung như sau:

I.    THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH LỮ HÀNH QUỐC TẾ

  1. CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN ĐÁP ỨNG:

1.1 Trước hết, Khách hàng cần phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề của Công ty trong đó có đăng ký ngành nghề “kinh doanh lữ hành quốc tế”.

Thời gian thực hiện: trong vòng 3-5 (ba đến năm) ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.

1.2 Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành bao gồm:

– Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

-Quản trị lữ hành;

-Điều hành tour du lịch;

-Marketing du lịch;

-Du lịch;

-Du lịch lữ hành;

-Quản lý và kinh doanh du lịch.

Trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau:

-Chủ tịch hội đồng quản trị;

-Chủ tịch hội đồng thành viên;

-Chủ tịch công ty;

-Chủ doanh nghiệp tư nhân;

-Tổng giám đốc; Giám đốc hoặc Phó giám đốc;

-Trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Lưu ý: Phải có quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;

1.3     Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

Theo quy định của Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn có liên quan, mức ký quỹ và phương thức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế như sau:

– Mức ký quỹ cho hoạt động Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250.000.000 VNĐ (Hai trăm năm mươi triệu đồng);

– Phương thức ký quỹ: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2.    TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THẨM TRA HỒ SƠ

– Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ lên Tổng Cục Du Lịch;

– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

Lưu ý: Sở Du lịch Hà Nội nơi Công ty đặt trụ sở có thể liên hệ với doanh nghiệp để hậu kiểm sau khi doanh nghiệp được cấp giấy phép và đi vào hoạt động.

II.     PHẠM VI DỊCH VỤ CỦA SBLAW

SB Law có chức năng và sẵn sàng cung cấp cho Chị và Quý Công ty dịch vụ đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh và xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tại Hà Nội tại cơ quan có thẩm quyền; cụ thể bao gồm các công việc sau đây:

-Tư vấn mọi khía cạnh pháp lý liên quan đến thủ tục đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh và xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

-Soạn thảo bộ hồ sơ cần thiết;

-Thay mặt Khách hàng nộp bộ hồ sơ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

-Theo dõi và làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình cấp phép;

-Nhận và bàn giao Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho Khách hàng

III.    PHÍ DỊCH VỤ CỦA SB LAW

-Phí dịch vụ cho việc cho các phạm vi công việc nêu trên là 30.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Ba mươi triệu đồng), trong đó:

-Phí dịch vụ cho việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của công ty (nếu có) là: 5.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Năm triệu đồng)

-Phí dịch vụ cho việc xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là: 25.000.000 VNĐ (Bằng chữ: Hai mười lăm triệu đồng). Phí dịch vụ nêu trên chưa bao gồm lệ phí nhà nước, 10% thuế giá trị gia tăng và các chi phí phát sinh trên danh nghĩa của Khách hàng.

Những hình thức đầu tư kinh doanh dịch vụ pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Câu hỏi: Tôi có một người bạn người Nhật. Bạn tôi muốn đầu tư kinh doanh dịch vụ pháp lý tại Việt Nam. Xin hỏi: Bạn tôi có thể kinh doanh bằng những hình thức nào? Điều kiện ra sao?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

  1. Theo WTO, FTAs, AFAS

-Tổ chức luật sư nước ngoài (là tổ chức của luật sư hành nghề do một hoặc nhiều luật sư hoặc công luật nước ngoài thành lập ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức công ty thương mại nào, kể cả hãng luật, công ty luật TNHH, công ty luật cổ phần) được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức sau:

-Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài.

-Công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài.

-Công ty luật nước ngoài (là tổ chức do một hoặc nhiều tổ chức luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam với mục đích hành nghề luật ở Việt Nam).

-Công ty hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

Hiện diện thương mại của tổ chức luật sư nước ngoài được phép tư vấn luật Việt Nam nếu luật sư tư vấn đã tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng được các yêu cầu áp dụng cho luật sư hành nghề tương tự của Việt Nam.

-Phạm vi hoạt động: tổ chức luật sư nước ngoài được phép cung cấp các loại hình dịch vụ pháp lý, ngoại trừ:

-Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước Tòa án Việt Nam;

-Dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.

  1. Theo Pháp luật Việt Nam

-Hình thức đầu tư:

+ Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

+ Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài.

+ Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh

+ Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

– Phạm vi hoạt động:

+ Thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác.

+ Không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.

+ Không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp.