Những lưu ý khi nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm

560

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Việc nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ các yêu cầu về hình thức (Đơn, giấy tờ chứng minh). Ngoài ra, đơn yêu cầu cần chú ý các vấn đề sau:

1. Về đối tượng yêu cầu xử lý vi phạm

Trong một đơn yêu cầu xử lý vi phạm, chủ thể quyền có thể yêu cầu xử lý:

– Một hoặc nhiều hành vi vi phạm liên quan đến một hoặc nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp do cùng một tổ chức, cá nhân thực hiện;

– Một hoặc nhiều hành vi vi phạm liên quan đến một đối tượng sở hữu công nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện;

– Trường hợp chủ thể quyền nộp đơn yêu cầu xử lý một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm ở cùng một địa phương thì chủ thể quyền chỉ cần nộp một đơn yêu cầu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý tại địa phương đó;

– Trường hợp chủ thể quyền nộp đơn yêu cầu xử lý một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm ở các địa phương khác nhau thì chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý ở từng địa phương hoặc nộp một đơn cho cơ quan trung ương có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm tại các địa phương đó.

2. Chủ thể có thẩm quyền xử lý  

Trường hợp nhiều cơ quan khác nhau cùng có thẩm quyền xử lý một hành vi vi phạm thì chủ thể quyền có thể lựa chọn một trong số các cơ quan đó để nộp đơn yêu cầu xử lý.

Ví dụ: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý cạnh tranh đều có thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền. Chủ thể quyền có thể lựa chọn để nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền bằng biện pháp hành chính theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP tại một trong ba cơ quan nêu trên.