Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5

1321
  1. Tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là:

– 50.000.000 đồng đối với cá nhân (tăng 20.000.000 đồng);

– 100.000.000 đồng đối với tổ chức (tăng 40.000.000 đồng).

Xem chi tiết mức xử phạt đối với từng hành vi tại Chương II Nghị định này, trong đó:

– Mức phạt tiền quy định tại Khoản 1 Điều 7; 8; 9; 10; 11; 13; 14; 15; 16; 17; 19; Khoản 1, 3 Điều 21; 22; Điều 23; 24; 26; 33; 34; Khoản 1, 3 Điều 36; Khoản 1 Điều 38; Khoản 2, 3 Điều 39; Khoản 1, 2 Điều 48; Khoản 1 Điều 57; Khoản 1, 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
– Trừ các trường hợp trên, mức phạt tiền quy định tại Chương này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2018 và thay thế Nghị định số 105/2013/NĐ-CP.

2. Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt 100 triệu

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21/3/2018 bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự, sẽ bị xử phạt 90-100 triệu đồng.

Hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt 40-50 triệu đồng. Riêng, hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60-70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10-20 triệu đồng như trước.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/5/2018.

3.   Cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo đó, các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện: Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích; là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016-2020.

Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/5/2018, áp dụng cho các khoản giản ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

4.  Khách sạn 5 sao phải nộp 3,5 triệu đồng phí thẩm định

Theo Thông tư 34/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng 1 sao, 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng 3 sao là 2 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng 4 sao, 5 sao mức phí này là 3,5 triệu đồng/hồ sơ.

Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là 1 triệu đồng/hồ sơ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/5/2018.

5. Bổ sung các hành vi bị cấm đối với công ty bán hàng đa cấp

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, so với quy định hiện hành thì Nghị định 40 đã bổ sung thêm nhiều hành vi cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp như:

– Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số;

– Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;

– Chấp thuận đơn từ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyền lợi theo quy định của người tham gia bán hàng đa cấp;

– Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với các đối tượng không được phép;

– Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, Nghị định cũng bỏ một số hành vi cấm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp như:

– Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;

– Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp;…

Nghị định số 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 02/5/2018 thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP.

6. Giảm giá cước kết nối cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động từ 1/5/2018

Theo quy định mới của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1/5/2018, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động sẽ là 400-440 đồng/phút thay vì 500-550 đồng/phút như hiện nay.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 48/2017/TT-BTTTT quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt vào mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc và giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc.

Về giá cước kết nối cuộc gọi giữa hai mạng thông tin di động mặt đất, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 33/2009/TT-BTTTT là từ 500-550 đồng/phút, cụ thể: Trường hợp hai mạng di động kết nối trực tiếp với nhau, mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động kết cuối cuộc gọi cước kết nối 500 đồng/phút đối với cuộc gọi kết cuối vào mạng di động của doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế và 550 đồng/phút đối với cuộc gọi kết cuối vào mạng di động của doanh nghiệp khác.

Nhưng quy định mới tại Thông tư 48, mức giá cước được giảm như sau: Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội giá cước kết nối là 400 đồng/phút.

Mạng di động khởi phát cuộc gọi trả mạng di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty viễn thông MobiFone, Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu giá cước kết nối là 440 đồng/phút.

Giá cước kết nối này đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước.

Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động bắt đầu từ ngày 1/5 được quy định như sau: Mạng nội hạt khởi phát cuộc gọi thoại trả mạng di động kết cuối cuộc gọi giá cước kết nối là 320 đồng/phút.

Thông tư cũng nêu rõ, các mức giá cước kết nối quy định tại Thông tư này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp viễn thông liên quan phải thực hiện công khai thông tin về giá, niêm yết giá theo quy định tại Luật Viễn thông, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Thông tư 48/2017/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ 1/5/2018.