Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi trong chuyên mục Báo chí và góc nhìn kênh InfoTV về nội dung trên, mời các bạn đón đọc tại đây:
Câu hỏi: Vụ việc được cho là một Nguyên Phó GĐ Chi nhánh Ngân hàng Eximbank TPHCM đã lợi dụng khách hàng ký khống giấy ủy quyền để điền tên người được ủy quyền rút tiền tiết kiệm của khách hàng. Vụ việc này đặt ra vấn đề gì trong quy trình bảo vệ tiền gửi trong ngân hàng?
Trả lời: Về mặt pháp lý, tiền tiết kiệm được người dân đem gửi ngân hàng, bên cạnh mục đích lấy lãi còn là cách cất giữ tiền an toàn.
Tuy nhiên, phải thừa nhận, nhiều trường hợp người gửi tiền có lỗi khi thiếu cẩn trọng trong việc ký vào những chứng từ mà nhân viên ngân hàng đưa cho.
Những tờ giấy có chữ ký khống của người gửi tiền này sau đó đã được sử dụng trong việc chiếm đoạt tiền của chính người gửi.
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là ‘chính chủ’ hay không.
Nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền bị thất thoát.
Chỉ có sự lỏng lẻo hoặc có sự câu kết của nhân viên phụ trách mới dẫn đến khủng hoảng chữ ký ở ngân hàng như hiện nay.
Câu hỏi: Eximbank cho biết các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình. Do vậy Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu tất toán sổ của khách hàng. Ngân hàng sẽ chờ phán quyết của Tòa án thì mới trả lại tiền. Câu trả lời của Ngân hàng như vậy có thỏa đáng không? Vì sao?
Trả lời: Mặc dù chưa được tiếp cận hồ sơ của vụ việc nhưng theo tôi khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng là một giao dịch dân sự.
Tham gia giao dịch này, một bên là cá nhân người gửi tiền, một bên là Tổ chức tín dụng. Giao dịch này chịu sự điều chỉnh của cả Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi năm 2017).
Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, tổ chức Tín dụng (Eximbank) phải đứng ra giải quyết và thực thi quyền lợi chính đáng đã cam kết với khách hàng.
Bởi khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo đảm khoản tiền gửi này, nếu có thất thoát, việc bồi hoàn là chuyện đương nhiên.
Việc Eximbank muốn đưa vụ việc ra toà và chờ đến khi có phán quyết của tòa mới chi trả tiền cho bà Bình là không phù hợp. Bởi trong vụ việc này tồn tại hai quan hệ, một là giao dịch dân sự giữa khách hàng và ngân hàng, hai là quan hệ hình sự.
Với quan hệ dân sự, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền cho dù bất cứ lý do gì.
Bởi người gửi tiền chỉ tin tưởng và gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải với bất cứ cá nhân nào làm việc tại ngân hàng.
Tiền khi gửi vào ngân hàng thì ngân hàng phải có nghĩa vụ quản lý và bảo toàn tiền gửi của khách hàng. Nếu mất mát, thất thoát thì ngân hàng phải bồi thường cho khách và không phải chờ phán quyết của toà án.
Câu hỏi: Tòa án có thể phán xử theo hướng nào? Dựa trên cơ sở luật pháp như thế nào?
Trả lời: Như tôi đã trình này ở trên, trong vụ việc này tồn tại hai quan hệ, một là giao dịch dân sự giữa khách hàng và ngân hàng, hai là quan hệ hình sự.
Nếu đúng về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường của pháp nhân đối với hành vi do người của pháp nhân gây ra thì ngân hàng cần bồi hoàn ngay khoản tiền cho khách hàng.
Nhân viên của ngân hàng, dùng tư cách, chức vụ do ngân hàng giao để chiếm đoạt tiền của khách hàng thì trước hết ngân hàng phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng, sau đó việc truy đòi từ nhân viên của mình là trách nhiệm của ngân hàng.
Cơ sở pháp lý: Theo quy định tại Điều 87 BLDS 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”.
Câu hỏi: Trong trường hợp Ngân hàng không chịu trả tiền, khách hàng có thể làm gì?
Trả lời: Trường hợp ngân hàng cố tình không chịu trả tiền, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng. Còn sau đó, ngân hàng muốn lấy lại tiền từ ông Hưng, thì ngân hàng sẽ khởi kiện lại ông này ra toà.
Và khi nào tòa án phán quyết Eximbank là bên bị thiệt hại thì khi đó ông Hưng có trách nhiệm trả lại tiền cho ngân hàng.
Câu hỏi: Những người gửi tiền cần tiến hành những biện pháp gì để tự bảo vệ?
Trả lời: Đối với những khách hàng đang có tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, khách hàng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng.
Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu giao dịch ngân hàng điện tử cho người khác, không truy cập các đường link lạ có nguy cơ bị hacker xâm nhập tài khoản đánh cắp dữ liệu.
Khách hàng cần đăng ký biến động số dư qua tin nhắn sms, thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, sổ tiết kiệm và ngay lập tức liên hệ với ngân hàng khi phát hiện những bất thường đối với tài khoản của mình.
Đồng thời, khách hàng không nên ký khống vào bất cứ giấy tờ nào, kể cả việc này là yêu cầu từ phía nhân viên của ngân hàng.
Bởi, quy định, quy trình nào cũng sẽ có kẽ hở. Nên việc ký khống sẽ là rất nguy hiểm nếu cán bộ ngân hàng không có đạo đức nghề nghiệp.