Doanh nghiệp bất động sản ‘kêu trời’ vì bị đánh cắp thương hiệu

613

Trong bài “Doanh nghiệp bất động sản ‘kêu trời’ vì bị đánh cắp thương hiệu” đăng trên báo VietNam Finance, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

(VNF) – “Thương hiệu Tràng An của chúng tôi đã bị một đơn vị khác tự lấy để quảng cáo bán căn hộ. Đó là sự vi phạm trắng trợn về hình ảnh và thương hiệu”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest, chia sẻ.

Sự búc xúc của ông Hiệp đã làm nóng toạ đàm sáng ngày 21/8/2018 về chủ đề “Làm thế nào để bảo vệ cho thương hiệu doanh nghiệp bất động sản”.

Đủ kiểu “ăn cắp” thương hiệu

Sau lời tự sự đó, ông Hiệp ví dụ ngay: “Dự án của chúng tôi bị trùng lặp với dự án ở 149 Trường Chinh và một công ty môi giới đã lấy hình ảnh của chúng tôi để quảng cáo cho dự án ở Trường Chinh.

“Đó chính là vi phạm của thương hiệu và hình ảnh nghiêm trọng nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này nên chúng tôi cũng chỉ để họ gỡ bỏ xuống từ các trang online”.

Không chỉ vị Chủ tịch GP Invest lo lắng mà rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản cũng đồng loạt “tố” những vi phạm trong việc đánh cắp, nhái thương hiệu của các đơn vị lớn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud, cho biết đơn vị của ông sau nhiều năm gây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường, nhưng cổ phần hoá xong thì không thể đăng ký lại được tên doanh nghiệp. Nguyên nhân là đã có doanh nghiệp khác đăng ký tên Công ty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội. Vì thế, công ty của ông Đính phải thêm 2 chữ “đô thị” để tách biệt với đơn vị kia.

“Điều này cho thấy việc đăng ký kinh doanh hiện nay chúng ta mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được chú trọng”, ông Đính nói.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Eurowindow, chỉ ra việc vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay có thể là do chủ ý hoặc cố ý.

“Ví dụ như trường hợp của Eurowindow, các doanh nghiệp, nhà sản xuất khác cũng sử dụng từ Euro… tuy nhiên sau đó thêm các từ viết tắt khác hoặc các hình ảnh của Eurowindow dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp”, ông Hồng bức xúc nói.

Nhà nước không đủ sức để bảo vệ doanh nghiệp?

Nói về việc nhái thương hiệu, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho biết có một thực tế là hiện nay, một số doanh nghiệp trẻ hoặc startup khi đăng ký tên doanh nghiệp thường lấy những tên giống các doanh nghiệp lâu đời, nối tiếng hoặc thành công và thêm một vài chữ cái khác hoặc chỉ có sự thay đổi một chút. “Điều này là sự cố ý tạo ra sự nhầm lẫn thương hiệu”, ông Hà nói.

Liên quan đến trường hợp hình ảnh Tràng An complex bị doanh nghiệp khác tự ý sử dụng trên website, ông Hà cho rằng hình ảnh mặc nhiên là có bản quyền tác giả, vì vậy mặc dù không phải đăng ký song bản thân nó cũng đã được bảo hộ. Ông Hà đề xuất nếu doanh nghiệp muốn làm đến cùng thì có thể đưa ra pháp lý.

Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận hiện luật yêu cầu các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình. Trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu.

“Nếu phát hiện ra việc bị ‘nhái’ thương hiệu, doanhh nghiệp nên áp dụng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ… bởi nhà nước không thể đủ nguồn lực để bảo vệ doanh nghiệp”, ông Hà nói.