Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm đúng về tình huống: Đi uống cà phê bị mất xe máy có được bồi thường không? Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Anh Kiên vì muốn tán gái nên đã mượn xe của anh Tú và chị Hoa đi uống cà phê. Tuy nhiên, do không may xe bị mất tại quán và do quán không có thỏa thuận trông xe với anh Kiên nên anh Kiên không đòi tiền được. Chị Hoa vợ anh Tú đã tìm đến luật sư xin tư vấn.
Luật sư tư vấn:
Về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường tài sản chỉ phát sinh trong trường hợp có hợp đồng và một số trường hợp ngoài hợp đồng mà pháp luật quy định cụ thể. Trong trường hợp này, cần phải xác định rõ giữa anh Kiên và chủ quán cà phê có phát sinh quan hệ giao dịch hay không, cụ thể ở đây là có xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản hay không.
Điều 554 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản như sau:
“Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.
Về hình thức xác lập thì hiện nay có 3 hình thức xác lập hợp đồng là hợp đồng xác lập bằng lời nói, hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng xác lập bằng hành vi thực tế.
Như vậy để xem xét giữa anh Kiên và chủ quán có hình thành quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản hay không thì cần xem xét khi anh Kiên gửi xe thì nhân viên bảo vệ của quán có ghi số và đưa vé gửi xe cho anh Kiên không, hay giữa anh Kiên và nhân viên bảo vệ có sự thỏa thuận với nhau về việc trông giữ xe hay không.
Trường hợp 1: Nếu anh Kiên có vé gửi xe
Đây sẽ là bằng chứng để chỉ ra rằng giữa anh Kiên và quán cà phê, qua đó xác lập quan hệ gửi giữ xe. Khi đó, theo quy định hiện hành, anh Kiên có quyền yêu cầu chủ quán bồi thường thiệt hại do làm mất xe của mình, trường hợp chủ quán không thực hiện thì anh Kiên có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Điều 556 và Điều 557 BLDS năm 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản và nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:
“Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản
1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản
1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.
3. Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Trường hợp 2: Giữa anh Kiên và nhân viên bảo vệ không có sự thỏa thuận hoặc sự thỏa thuận chỉ là lời nói hoặc hành vi
Trong trường hợp này, việc chứng minh giữa anh Kiên và quán đã xác lập quan hệ gửi giữ là rất khó khi mà chủ quán đã chối bỏ trách nhiệm. Do vậy, trong trường hợp này, việc anh Kiên có được chủ quán bồi thường hay không còn phụ thuộc vào việc chứng minh của anh Kiên về việc xác lập quan hệ gửi giữ xe với quán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chứng minh này là rất khó và đem lại hiệu quả không cao. Do đó, theo tôi, trong trường hợp này, anh Kiên nên nói chuyện lại với chủ quán và yêu cầu họ hỗ trợ một phần, khi đó, để giữ uy tín của quán cà phê thì chủ quán có thể chấp nhận. Còn nếu khởi kiện thì phần thắng sẽ không cao.
Dưới đây là video LUẬT SƯ NGUYỄN THANH HÀ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN KÊNH INFOTV VÈ CẠM BẪY TIÊU DÙNG CÁ NHÂN TRÊN INFOTV. Mời quý vị đón xem: