Chuyển đổi tên gọi từ thu phí sang thu giá có tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành hay không?

501

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời báo Vietnammoi về vẫn đề: Chuyển đổi tên gọi từ thu phí sang thu giá có tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành hay không? Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Em muốn xin ý kiến anh về việc chuyển đổi tên gọi từ thu phí sang thu giá có tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành hay không ạ?

Trả lời:

Thời gian qua, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có lẽ chưa bao giờ cái tên BOT lại “nóng” đến như vậy, khi hàng loạt trạm BOT trên khắp cả nước bị người dân phản đối kịch liệt do nhiều bất cập trong việc thu phí, đặt khoảng cách hai trạm không đủ 70 km, cấm dừng quá 5 phút tại trạm, không đi tuyến tránh nhưng vẫn đóng phí, …

Mới đây, người dân lại tiếp tục được một phen “bắt buộc phải quan tâm” khi “trạm thu phí” được đổi thành “trạm thu giá” BOT.

Bản chất của phí là dịch vụ công, mang tính phục vụ, trong khi giá mang tính thị trường, có cân đối lợi nhuận của nhà đầu tư.

Theo Luật phí và lệ phí năm 2015, có 17 loại phí được chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Trong số đó, phí sử dụng đường bộ được chuyển sang có giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh và được thực hiện theo Luật giá kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/01/2017).

Với sự điều chỉnh đó, khoản thu sử dụng dịch vụ đường bộ được chuyển từ chế độ thu phí sang thu giá.

2. Bộ trưởng Thể nói BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa ra giá bán. Vậy có phải BOT giao thông là dịch vụ tư nhân? Nếu như vậy thì quan hệ giữa người đi đường và nhà đầu tư BOT là quan hệ dân sự. Vậy thì việc có Thông tư 35 quy định giá trần có phù hợp hay không? Người dân có quyền từ chối trả tiền cho dịch vụ tư nhân nếu thấy dịch vụ không xứng đáng?

Trả lời:

Mô hình BOT là dự án Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao do đó doanh nghiệp dự án chỉ được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước.

Dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, các dự án này vẫn phải được Nhà nước quy hoạch và quản lý.  Đây là một khái niệm rất thống nhất trên quốc tế và cũng đã được thể chế hóa trong Nghị định về PPP ở Việt Nam. Vì thế, việc Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh là hợp lý.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, chỉ khi các cơ quan chức năng lắng nghe, quan tâm tới cuộc sống, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu thì lúc đó cái tên BOT mới có thể giảm nhiệt trong lòng mỗi tài xế và người dân.