Hàng trăm ô tô, xe máy cháy rụi dưới hầm chung cư Carina Plaza: Ai đền bù?

626

Trong bài “Hàng trăm ô tô, xe máy cháy rụi dưới hầm chung cư Carina Plaza: Ai đền bù?” đăng trên báo Đời sống pháp luật, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina Plaza quận 8 (TP.HCM) đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, ngoài ra còn thiêu rụi 13 ô tô và 150 xe máy. Vậy ai sẽ là người đền bù thiệt hại cho người dân?

Trao đổi trên Dân trí, luật sư Trương Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng hậu quả của đám cháy tại chung cư Carina Plaza là rất nghiêm trọng. Việc xác định được ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại sẽ căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng.

“Trong đó, quan trọng nhất đó là điều tra xem nguyên nhân vụ cháy là gì, do lỗi chủ quan hay khách quan. Từ đó xem xét các bên chịu trách nhiệm chính, liên đới trong việc bồi thường”, luật sư Trương Anh Tuấn nói.

Theo luật sư Tuấn, nếu lỗi khách quan như do chập điện hoặc một thiết bị nào đó của tòa nhà hư hỏng dẫn đến cháy nổ thì trường hợp này lỗi thuộc chủ đầu tư.

“Chủ đầu tư có thi công, lắp đặt thiết bị không đúng tiêu chuẩn thiết kế không. Trang thiết bị có đạt chất lượng không, việc bảo dưỡng định kỳ có được đảm bảo không…”, ông Tuấn cho tiết cả những vấn đề sẽ được đặt ra để đảm bảo đúng trách nhiệm của chủ đầu tư.

Còn nếu do lỗi chủ quan của một cá nhân hay tổ chức thì ông Tuấn cho rằng cần phải xem xét do vô ý hay cố tình. Theo luật, vô ý hay cố ý gây thiệt hại cho người khác thì đều phải bồi thường. Tuy nhiên sẽ căn cứ vào việc cố ý hay vô tình để xem xét mức độ bồi thường.

Đối với trường hợp này theo luật sư Tuấn, chủ đầu tư vẫn sẽ bị xem xét trách nhiệm trong việc có đảm bảo hệ thống phòng cháy, chữa cháy vận hành đúng yêu cầu, quy định khi xảy ra cháy nổ hay không.

“Ngoài ra còn có bên bảo hiểm phải vào cuộc xem những lỗi này có nằm trong phạm vi phải bồi thường hay không. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ trong điều kiện được bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường, và cùng xác minh thiệt hại với người mua bảo hiểm”, ông Tuấn cho biết.

Theo đó, đối với những xe tham gia bảo hiểm cháy nổ, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 tại điểm C, khoản 2 Điều 17 thì “Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.

Nếu không thuộc trường hợp đã mua bảo hiểm, ông Tuấn cũng cho rằng, chủ bãi xe phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những người gửi ô tô, xe máy bị cháy.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời Tri thức trực tuyến, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLaw – cho biết: “Vụ hỏa hoạn gây nhiều thiệt hại về tài sản của cư dân trong tòa nhà. Để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại về ai cần tìm hiểu nguồn gốc của vụ hỏa hoạn này, từ đó lần ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại số xe bị cháy của cư dân trong tòa nhà”.

Theo Khoản 9 Điều 38 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy, trong trường hợp xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn, đơn vị bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện chủ đầu tư có vi phạm trong việc quản lý, duy trì hệ thống PCCC thì khi đó, dựa theo Khoản 10 Điều 38 Thông tư 02/2016/TT-BXD, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Nếu hậu quả nghiêm trọng, chủ đầu tư còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi vi phạm về PCCC (Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015).

Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra vụ việc, cơ quan chức năng cũng sẽ xác định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan trực tiếp đến việc để xảy ra vụ cháy như đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà, đội bảo vệ, tuần tra kiểm soát…

Việc xác định cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới bồi thường sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra cụ thể của cơ quan chức năng.

Đối với những xe tham gia bảo hiểm cháy nổ, vị luật sư dẫn theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 để khẳng định: “Khi xảy ta hỏa hoạn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm”.

Cụ thể hơn, khi có thiệt hại do cháy nổ xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ cùng phối hợp xác định thiệt hại.

Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thống nhất được giá trị thiệt hại thì một trong hai bên hoặc cả hai bên có quyền mời cơ quan, tổ chức có chức năng đánh giá tài sản, thẩm định thiệt hại.

Theo quy định này, chủ xe nên phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm để xác định thiệt hại và thỏa thuận mức bồi thường cho xe của mình. Nếu hợp đồng bảo hiểm không có quy định khác thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền bồi thường cho chủ xe bị thiệt hại.

Trước đó, vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 1h15 ngày 23/3, tại tầng hầm giữ ôtô, xe máy nằm giữa khu A và B của chung cư Carina Plaza. Toà nhà gồm 6 blocks cao từ 14 đến 20 tầng.

Khói lửa ngùn ngụt bốc lên từ tầng hầm khiến hàng trăm người trên các tầng cao không thể thoát xuống. Họ liên tục vẫy khăn, quần áo, rọi đèn pin… kêu cứu. Một số người đã phải nhảy từ trên cao xuống.

SBLaw là công ty luật có trụ sở tại Hà Nội và Tp. HCM, với đội ngũ nhân viên là nhưng luật sư giỏi, uy tín. Mời quý vị đón xem: