Quyền đối với kiểu dáng công nghiệp

603

1. Quyền cơ bản của tác giả kiểu dáng công nghiệp.

Tác giả kiểu dáng công nghiệp là người trực tiếp sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì họ là đồng tác giả.

Tác giả hoặc các đồng tác giả kiểu dáng công nghiệp được hưởng các quyền sau đây:

Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, trong Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và trong các tài liệu công bố, giới thiệu về kiểu dáng công nghiệp (quyền tinh thần).

Nhận thù lao của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp theo quy định khi kiểu dáng công nghiệp được sử dụng (quyền tài sản)

Tác giả kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao hoặc để thừa kế quyền tài sản và quyền yêu cầu xử lý, khởi kiện nêu trên cho người khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.

Chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được đăng ký được hưởng các quyền tài sản sau đây:

Sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Cho phép người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp (chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp để đổi lấy lợi ích vật chất)

Ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp.

Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao hoặc thừa kế quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp của mình cho người khác theo quy định của pháp luật.

Sử dụng kiểu dáng công nghiệp là quyền khai thác kiểu dáng công nghiệp dưới các hình thức sau:

Sản xuất (chẳng hạn chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói…) sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

Đưa vào lưu thông (chẳng hạn bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm…), quảng cáo (chẳng hạn thể hiện trên các phương tiện thông tin, biểu hiệu, phương tiện kinh doanh, bao bì sản phẩm, phương tiện dịch vụ, chào hàng, khuyến mãi, giấy tờ giao dịch kinh doanh…) chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

Nhập khẩu sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

3. Chuyển nhượng quyền sở hữu/chuyển quyền sử dụng kiểu dáng.

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp hoặc chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp cho người khác phải được thể hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng phải có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật

Hợp đồng chuyển nhượng kiểu dáng công nghiệp chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cục sở hữu trí tuệ.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận  giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng kiểu dáng công nghiệp, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

Tờ khai đăng ký theo mẫu số 01-HĐCN (trường hợp chuyển gia quyền sử dụng)

Bản gốc hoặc bản sao hợp đồng

Bản gốc bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (trường hợp chuyển giao quyền sở hữu)

Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao kiểu dáng công nghiệp( trường hợp kiểu dáng công nghiệp thuộc sở hữu chung)

Chứng từ nộp phí, lệ phí

Giấy ủy quyền nộp hồ sơ thông qua đại diện