Những trường hợp thỏa thuận trọng tài có hiệu lực nhưng không thể thực hiện được

614

“Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP về hướng dẫn thi hành một số quy định luật trọng tài thương mại của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Theo đó, Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

– Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

– Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

– Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Như vậy, không phải tất cả thỏa thuận trọng tài có hiệu lực cũng được thực hiện để lựa chọn phương thức trọng tài giải quyết tranh chấp.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã trả lời phỏng vấn kênh VTC10, truyền hình NetViet về vấn đề giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: