Hội nhập TPP: Việt Nam cần làm gì để phát triển chỉ dẫn địa lý?

495
Hội nhập TPP: Việt Nam cần làm gì để phát triển chỉ dẫn địa lý?

Trước thềm TPP, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra với vấn đề sở hữu trí tuệ, trong đó vấn đề cơ chế và định hướng bảo hộ đối tượng chỉ dẫn địa lý một cách hợp lý đang là một thách thức.

Hội nhập TPP: Việt Nam cần làm gì để phát triển chỉ dẫn địa lý?

Hội nhập TPP đặt ra nhiều vấn đề với phát triển chỉ dẫn địa lý.

Thời gian gần đây chúng ta thường nhắc đến việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua những vụ việc cụ thể như việc chỉ dẫn địa lý “nước mắm Phú Quốc” được bảo hộ tại Liên minh Châu Âu (EU) hay Việt Nam đấu tranh giành lại chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Mê Thuột” ở Trung Quốc. Nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, trong đó vấn đề cơ chế và định hướng bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù này một cách hợp lý đang là câu hỏi và thách thức trước thềm Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do tính chất quan trọng của sở hữu trí tuệ nên trong 30 chương của Hiệp định TPP, có hẳn một chương riêng cho vấn đề này, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền sở hữu trí tuệ.

Nội dung liên quan đến việc bảo vệ những chỉ dẫn địa lý mới bao gồm cả những chỉ dẫn địa lý đã được công nhận hoặc được bảo vệ ở những hiệp định quốc tế khác. Việc bảo vệ này bao gồm cả việc phân định rõ mối quan hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu. Điều ước đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu.

Xét trên khía cạnh thương mại và vai trò của chỉ dẫn địa lý trong bối cảnh hội nhập, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho rằng, nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, mà gần đây nhất là sự kiện Việt Nam tham gia TPP đòi hỏi Việt Nam cần có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về vai trò và sự cần thiết của vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nó không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững.

Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành định hướng, công cụ quan trọng được Chính phủ, Bộ ngành và địa phương lựa chọn để bảo hộ nông sản. Sau 15 năm kể từ ngày chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, đến nay Việt Nam đã có 43 chỉ dẫn địa lý. Đó là những kết quả của những định hướng, chính sách phù hợp của nhà nước, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và người dân. Nhiều địa phương đã xác định chỉ dẫn địa lý là một trong những hướng đi nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, phát triển sản xuất và thị trường nông sản. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta còn gặp nhiều khó khăn cả về thể chế chính sách và thực tiễn khai thác sản phẩm thương mại.

“Các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, chưa có các dấu hiệu nhận diện chỉ dẫn đại lý làm cơ sở để người tiêu dùng nhận biết trên thị trường. Vì vậy, để chỉ dẫn địa lý thực sự trở thành công cụ đắc lực cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm, cần phải có những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, đồng thời cần một bước đột phá mới cả về phương pháp luận đến các vấn đề chính sách và thực tiễn”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Lưu ý những khía cạnh mà Việt Nam cần chú ý để việc phát triển các chỉ dẫn địa lý đạt được hiệu quả cao nhất trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường, mức độ cạnh tranh của nông sản Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Sản phẩm Việt Nam phải cạnh tranh ngay cả trên sân nhà đối với sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có thể trở thành một công cụ đặc thù, khác biệt trên thị trường nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý và thương mại.

Theo ông Thanh, để phát huy được hiệu quả của chỉ dẫn địa lý trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần phải tập trung vào một số giải pháp. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý không chỉ là bảo hộ tên gọi, mà quan trọng hơn là khai thác nó để phát triển thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, cần tập trung tổ chức sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đưa sản phẩm ra thị trường để người tiêu dùng có thể tiếp cận đối với chỉ dẫn địa lý. Thứ hai, phải duy trì được chất lượng đặc thù của sản phẩm, gắn với các rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự đồng thuận của cộng đồng để duy trì sự ổn định và sự khác biệt của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

“Với mức độ bảo hộ cao của chỉ dẫn địa lý, nếu chúng ta không chủ động khai thác, sử dụng chỉ dẫn địa lý để bảo hộ cho sản phẩm nông sản thì đó sẽ là một thiệt thòi cho cộng đồng sản xuất, đồng thời có thể gây ra những hệ lụy như trường hợp một số tên gọi của Việt Nam bị đăng ký ở nước ngoài”, ông Lưu Đức Thanh nói.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Phòng Pháp chế, Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, tham gia TPP, các nước yêu cầu phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tức là tên gọi của các địa phương dùng để chỉ dẫn hàng hóa, những đặc sản của vùng miền, ví dụ như “Cà phê Buôn Ma Thuột” hay “Nước mắm Phú Quốc”. Họ muốn chúng phải được bảo hộ như nhãn hiệu, thậm chí là nhãn hiệu cá thể. Tuy nhiên, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác.

“Điển hình như khi Việt Nam bị mất nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc, khi chiếu theo nguyên tắc này thì Việt Nam sẽ không đòi lại được”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà nói.

 

Nguồn : http://canthostnews.vn/Default.aspx?tabid=82&NDID=48970&keyword=Hoi-nhap-TPP:-Viet-Nam-can-lam-gi-de-phat-trien-chi-dan-dia-ly-