1. Tổ chức, cá nhân có thể tự nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hay không?
Tổ chức, cá nhân Việt Nam có quyền tự mình nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc ủy quyền đại diện tiến hành thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc có thể (không bắt buộc) nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thông qua dịch vụ trung gian của một Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Nếu người nộp đơn hoặc tổ chức, cá nhân chưa hiểu rõ cách thức làm và nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, thậm chí chưa biết cách thiết kế kiểu dáng công nghiệp, và không muốn tham vấn Cục Sở hữu trí tuệ, thì nên sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp bằng cách thuê một Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thay mặt mình làm và nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
2. Quá trình thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp kéo dài bao lâu?
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chủ đơn sẽ được Cục sở hữu trí tuệ thông báo về kết quả thẩm định hình thức đơn (nghĩa là thông báo đơn có tuân thủ các quy định về hình thức đơn đối với đơn, trong đó kết luận đơn được chấp nhận đơn hợp lệ hoặc bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ và lý do từ chối)
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận đơn hợp lệ, đơn được công bố trên Công báo cục sở hữu công nghiệp.
Trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày đơn được công bố, chủ đơn sẽ được cục sở hữu trí tuệ thông báo về kết quả thẩm định nội dung đơn( nghĩa là thông báo khả năng được bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng) trong đó kết luận chấp nhận hoặc từ chối chấp nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
3. Chủ đơn cần phải làm gì nếu việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp không suôn sẻ
Trong trường hợp được Cục sở hữu trí tuệ thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc dự định từ chối cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ đơn cần phải sửa chữa mọi thiếu sót nêu trong thông báo hoặc nêu ý kiến phản bác lý do dẫn đến dự định từ chối không xác định của Cục sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp được Cục sở hữu trí tuệ thông báo về việc có người khác phản đối việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chủ đơn cần sửa chữa kiểu dáng công nghiệp( trong phạm vi được phép) hoặc nêu ý kiến phản bác những lý lẽ, chứng cứ không xác đáng của người phản đối.
Nếu không đồng ý với các quyết định của Cục sở hữu trí tuệ liên quan đến đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, chủ đơn có thể khiếu nại trước tiên với chính Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ (khiếu nại lần đầu). Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu, chủ đơn có thể khiếu nại với Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra tòa.