Có nên kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP?

752
Có nên kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP?
Có nên kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP?

SBLAW giới thiệu bài đóng góp của luật sư Nguyễn Thanh Hà gửi báo Diễn đàn doanh nghiệp về chủ đề Có nên kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP?

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới đây đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP. Bên cạnh ý kiến ủng hộ về sự can thiệp của kiểm toán nhà nước sẽ giúp Nhà nước có thể giám sát chặt chẽ và độc lập về loại mô hình này cũng như công tác quản lý được minh bạch hơn thì đa số ý kiến lại chưa đồng tình với quy định về hoạt động này.

Cụ thể, tại Điều 86 Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định hoạt động kiểm toán nhà nước sẽ diễn ra 2 lần. Lần 1, trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật về kiểm toán nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Lần 2, sau khi ký kết hợp đồng, kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật về kiểm toán nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP, bao gồm: Kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ đối với việc sử dụng vốn nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, …và kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đối với quy định này, đa số ý kiến đồng ý rằng vì là dự án công nên cần sự tham gia của kiểm toán nhà nước là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp, dự án được thu phí từ cá nhân, tổ chức sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Chi phí đầu tư là cơ sở xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án, vì vậy nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được thời gian thu phí, mức thu phí đối với công trình là phù hợp?

Tuy nhiên, bản chất dự án PPP là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo các quy định về PPP và pháp luật có liên quan. Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Việc kiểm toán đến 2 lần và kiểm toán ngay cả trong giai đoạn hồ sơ vẫn chưa có gì thì là rất rườm rà và còn tạo tâm lý dè chừng cho nhà đầu tư. Điều này không phải không có lý bởi đối với các dự án đấu thầu, các nhà đầu tư đã phải tính toán kỹ càng, đầu tư sức lao động và công nghệ để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm giảm lãi vay cho hoạt động đầu tư, thế nhưng nếu tiến hành kiểm toán vốn tư nhân nữa thì sẽ gây ra trì trệ, thủ tục kéo dài cho nhà đầu tư.

Có thể nói hoạt động kiểm toán Nhà nước với dự án PPP là vô cùng cần thiết vì nếu không kiểm toán, Nhà nước bị thiệt do phải trả giá cao hơn giá trị thật của dự án hàng chục ngàn tỷ đồng, còn người dân chịu thiệt do bị kéo dài thời gian thu phí. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện như thế nào và vào thời điểm nào là vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ thủ tục kiểm toán có thể rút ngắn tránh rườm rà, thay vì thực hiện 2 giai đoạn thì ta có thể rút xuống còn 1 giai đoạn.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cơ quan nhà nước có thâm quyền có thể triển khai những phương án giám sát nhưng vẫn nên tôn trọng các quy luật cạnh tranh, quy luật thị trường.