Ban hành Hệ thống tài khoản kế toán các Tổ chức tín dụng

491

Ngày 20/03/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số tài khoản trong Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (TCTD) ban hành theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/04/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quy định khi sử dụng tài khoản 105 để hạch toán giá trị kim loại, đá quý, TCTD phải phân biệt được vàng tiền tệ và vàng phi tiền tệ.

Trong đó, vàng tiền tệ là ngoại hối theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005, hoặc vàng tiêu chuẩn quốc tế (vàng khối, vàng thỏi, vàng miếng, vàng lá có dấu kiểm định chất lượng và trọng lượng, có mác hiệu của nhà sản xuất vàng quốc tế hoặc của nhà sản xuất vàng trong nước được quốc tế công nhận), là tài sản dự trữ thanh toán quốc tế và được coi như một loại ngoại tệ; vàng phi tiền tệ là vàng được mua với mục đích gia công, chế tác làm đồ trang sức và được coi như một loại vật tư, hàng hóa thông thường.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung thêm tài khoản dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình trạng biến động của các loại chứng khoán nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương hay tổ chức trong nước, nước ngoài phát hành mà TCTD đang đầu tư (tài khoản 16 – Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn). Việc hạch toán trên tài khoản này chỉ được thực hiện đối với các loại chứng khoán nợ (không hạch toán đối với các loại chứng khoán vốn); đồng thời, TCTD phải mở tài khoản chi tiết để phản ánh mệnh giá, giá trị chiết khấu và giá trị phụ trội của chứng khoán đầu tư. Thông tư cũng nhấn mạnh, việc lập dự phòng giảm giá đối với chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu về sự giảm giá chứng khoán kéo dài hoặc có bằng chứng chắc chắn là TCTD khó có thể thu hồi đầy đủ khoản đầu tư. Đặc biệt, không thực hiện lập dự phòng giảm giá chứng khoán đối với những thay đổi giá trong ngắn hạn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2014.