Dự án BT được cởi trói

1046

Thủ tướng hối thúc Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định về đầu tư BT trong tháng 4, theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bảo đảm mọi loại hình doanh nghiệp đều có thể tham gia và không hồi tố các dự án được phê duyệt trước tháng 1/2018.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa qua, liên quan đến 2 dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Thông thoáng nhưng phải chống thất thoát

Trước tình trạng, hàng loạt dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) thời gian qua đình trệ vì thiếu quy định rõ ràng, doanh nghiệp ách tắc trong triển khai dự án BT. Việc Thủ tướng Chính phủ đốc thúc hoàn thiện hai nghị định trên hướng tới mục tiêu khơi thông trong dòng chảy kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt đối với dự thảo nghị định về BT, thời gian qua dư luận khá bức xúc và lo ngại việc thất thoát tài sản công. Kết quả kiểm toán đối với 35 dự án BT thời gian qua của Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 7.453 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, chỉ riêng 5 dự án được kiểm toán trong năm qua đã có con số kiến nghị đã lên tới gần 3.000 tỷ đồng, chiếm tới 40% tổng số kiến nghị từ trước tới nay.

Thực tế đã chứng minh, những vấn đề như hình thức thanh toán đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá, thực hiện thời gian qua giá đất chưa sát thị trường, gây thất thoát tài sản công. Ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã gửi công văn số 3515 hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT có hiệu lực thi hành”.

Tại phiên họp Quốc hội cuối năm 2018, Đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thánh Hóa đã cho rằng, các dự án đầu tư theo hình thức BT đang có khoảng trống pháp lý, có thể biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, gây thất thoát tài sản công.

Cho đến thời điểm này, trên cả nước đã có hàng trăm dự án được đầu tư theo hình BT. Hàng loạt các dự án BT đã rơi vào bế tắc. Khiến Chính phủ phải có biện pháp tháo gỡ. Một giải pháp mang tính tình thế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 160 ngày 28/12/2018 về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư. Đây được đánh giá là việc làm cần thiết nhằm chấn chỉnh, làm minh bạch hơn, cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Đứng trên góc độ luật pháp, giới chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 160 không chỉ mang tính tháo gỡ khó khăn, mà còn gợi mở hướng phát triển mới cho các nhà đầu tư khác. Theo Nghị quyết 160, những dự án BT được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 sẽ tiếp tục thanh toán theo hợp đồng, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên cho dù “khoanh vùng” thì vẫn phải đảm bảo không thất thoát. Chính vì vậy, phát biểu chỉ đạo về việc xây dựng hai nghị định liên quan đến BT, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện dự thảo nghị định với tinh thần bảo đảm tính thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh, “cần bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Khơi thông dòng chảy BT

Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Thường trực Chính phủ nhất trí tiếp tục coi BT là hình thức đầu tư hợp pháp. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi cơ bản, đó là nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án theo hình thức BT trước, sau đó nhà nước giải phóng mặt bằng để bán đấu giá quyền sử dụng đất lấy tiền thanh toán, kể cả lãi vay cho các nhà đầu tư. Với quy định này, Chính phủ kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch giá đất từ hình thức giao chỉ định, không qua đấu giá như vừa qua, khiến giá trị quyền sử dụng đất lớn hơn giá trị dự án BT nhiều lần.

Nhưng cũng phải mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các dự án xây dựng, chuyển giao BT (dự án đổi đất lấy hạ tầng). Lý giải việc chậm ban hành hướng dẫn, Bộ Tài chính cho biết vướng mắc lớn nhất là khó xác định cách tính giá đất, giữa giá trị công trình BT và quỹ đất được giao. Kiểm toán Nhà nước từng phát hiện tình trạng chênh lệch giá đất khiến ngân sách thất thu hàng trăm tỷ đồng.

Trong khi, Chính phủ đã yêu cầu việc xác định giá đất phải thông qua hội đồng thẩm định, đảm bảo đấu thầu hoặc đấu giá công khai, minh bạch các dự án BT. Hiện thẩm quyền cấp phép dự án BT thuộc về các địa phương, nên Bộ Tài chính cũng chưa có thống kê đầy đủ có bao nhiêu dự án đã triển khai.

Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng và chuyển giao (BT), để Chính phủ sớm ban hành, nhằm khơi thông một nguồn lực cho phát triển và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của năm nay, nhưng đồng thời phải đảm bảo chống thất thoát tài sản nhà nước cũng như tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần của Nghị định này phải theo nguyên tắc thị trường, minh bạch và các loại hình doanh nghiệp đều được phép đầu tư các dự án theo hình thức BT, đặc biệt là không hồi tố các dự án đã được phê duyệt từ trước tháng 1/2018.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW