Hội đồng quản lý liên danh hoạt động điều hành doanh nghiệp BOT có đúng luật?

469

Câu hỏi: Công ty chúng tôi là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, thành lập năm 2015 với tư cách là doanh nghiệp dự án, được thành lập do 3 nhà đầu tư X, Y, Z liên danh góp vốn để thực hiện dự án BOT. Theo sơ đồ tổ chức khi thành lập gồm: Hội đồng thành viên, Ban giám đốc và các phòng ban. Hội đồng thành viên gồm 3 người đại diện phần vốn góp cho 3 nhà đầu tư X, Y, Z để quản lý Công ty. Tuy nhiên, sau 4 tháng thành lập đi vào hoạt động, Nhà đầu tư lại thành lập ra Hội đồng quản lý liên danh để ra các quyết định điều hành công ty mà không phải là Hội đồng thành viên công ty quyết định.  Vậy cho tôi hỏi: Hội đồng quản lý liên danh hoạt động điều hành như thế có đúng theo luật doanh nghiệp không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 55 và Điều 56 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:

“Điều 55. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định”.

“Điều 56. Hội đồng thành viên

1. Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên công ty, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Điều lệ công ty quy định định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.

2. Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;

b) Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn;

c) Quyết định dự án đầu tư phát triển của công ty;

d) Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trongbáo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;

đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

e) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty;

g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;

h) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

i) Quyết định thành lập công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện;

k) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

l) Quyết định tổ chức lại công ty;

m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty;

n) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Trường hợp cá nhân là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty”.

Như vậy, ta có thể thấy rằng trong cơ cấu tổ chức của công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì có: hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và trong đó Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Do vậy, không tồn tại khái niệm về hội đồng quản lý liên danh nên việc hội đồng quản lý liên danh hoạt động điều hành như thế là không đúng theo luật doanh nghiệp.

Trong chương trình luật sư doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn về bải bỏ Giấy phép con theo Luật đầu tư năm 2014.

Mời quý vị đón xem tại đây: