Giải quyết tranh chấp di sản thừa kế

331

Câu hỏi: Hiện tại nhà tôi có 6 người, gồm mẹ tôi, và 5 anh chị em, bao gồm 3 trai 2 gái. đều đã có gia đình riêng. Năm 2002 bố tôi mất có để lại khối tài sản gồm: 400m2 đất ở; 1600m2 đất vườn; 4000m2 đất nông nghiệp. Giấy CNQSD đất đứng tên một mình ông, không có tên mẹ tôi. Năm 2007 mẹ tôi tặng cho anh trai lớn một mảnh đất 100m2 đất ở. Năm 2012, mẹ tôi tiếp tục tặng cho anh thứ 2 và tôi mỗi người 100m2 đất ở. Xin lưu ý là cả hai lần đều là tặng cho tài sản, không phải là chia thừa kế, khi đó 2 người con gái ở xa chỉ điện về ủy nhiệm cho mẹ tôi, mẹ tôi cam kết với chính quyền là họ không kiện tụng gì. Sau đó trong quá trình làm thủ tục cấp giấy CNQSD đất và sử dụng sau đó không ai khiếu kiện tranh chấp gì. Nay do hai người anh trai của tôi nảy sinh lòng tham muốn chiếm đoạt nốt phần tài sản còn lại, nên họ ép tôi phải chấp nhận chỉ được 100m2 đất ở hiện tại còn không được đòi chia thêm đất vườn và đất nông nghiệp. Tôi không đồng ý, họ bèn làm đơn kiện xuống tòa án nhân dân huyện, đứng tên người kiện là mẹ tôi, nội dung đơn là đòi chia phần tài sản còn lại theo ý họ, nghĩa là tôi không có phần trong đó, hoặc nếu không sẽ thu hồi phần đất 100m2 đã đứng tên tôi để chia lại, họ còn nhờ 2 người con gái về nhận phần để rồi cho lại họ. Vậy tôi xin hỏi:

1. Nếu căn cứ theo luật dân sự thì tài sản đã cho không thể đòi lại được có phải không? Năm 2012 mẹ tôi cho tôi là vẫn nằm trong phần thừa kế của bà, nếu tính theo luật thì hiện tại vẫn còn 100m2 đất ở, nếu chia cho 2 người con gái thì vẫn còn phần của họ.

2. Nếu mẹ tôi đã tặng cho không thể đòi lại thì đơn kiện của bà, chính xác là bà bị ép đứng tên kiện tôi có sai luật không?

3. Tòa án có căn cứ vào điều khoản nào để thu hồi đất của tôi để chia lại được không? Đất đó tôi đã xây nhà từ lâu thì phải đền bù thế nào nếu họ chia lại được?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bố bạn mất có để lại khối tài sản gồm 400m2 đất ở; 1600m2 đất vườn; 4000m2 đất nông nghiệp. Khối tài sản này là tài sản riêng của bố bạn hay là tài sản chung vợ chồng. Nếu là tài sản riêng của bố bạn thì mẹ bạn không có quyền định đoạt với khối tài sản này. Do đó, việc tặng cho quyền sử dụng đất của mẹ bạn cho các con sẽ là giao dịch dân sự vô hiệu và theo đó hậu quả pháp lý là các bên khôi phục tình trạng ban đầu và trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu khối tài sản này được hình thành trong thời kì hôn nhân thì mặc dù chỉ có tên của chồng nhưng vẫn là tài sản chung vợ chồng. Do đó, khi bố bạn chết mà không có di chúc thì di sản của bố bạn sẽ được chia theo pháp luật và di sản của ông lúc này sẽ chỉ là một nửa của khối tài sản trên. Một nửa còn lại sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn. Mẹ bạn chỉ có quyền định đoạt số tài sản của mẹ bạn, còn phần tài sản của bố bạn sẽ được coi là di sản thừa kế và nó thuộc về những người thừa kế, bao gồm mẹ bạn, bạn và các anh chị em của bạn.

 

Tuy nhiên. do đây là khối tài sản chung của vợ chồng bố mẹ bạn do đó theo nguyên tắc thì mẹ bạn có quyền định đoạt phần tài sản của mẹ bạn nhưng không thể xác định được phần đất nào thuộc sở hữu của mẹ bạn nếu không làm thủ tục phân chia di sản. Theo đó việc tặng cho tài sản chỉ có thể được thực hiện sau khi những người thừa kế hợp pháp phần di sản của bố bạn, trong đó có mẹ bạn, các anh chị em của bạn và bạn, làm xong thủ tục phân chia di sản.

Thời hiệu thừa kế theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Do đó, khi có tranh chấp về thừa kế tài sản, thì những người thừa kế đều có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi có đất để yêu cầu chia di sản thừa kế và khi có yêu cầu thì tòa án sẽ xem xét yêu cầu đó đồng thời xác định di sản thừa kế của bố bạn để lại và chia di sản theo quy định của pháp luật nếu như các đồng thừa kế không tự thỏa thuận.

Về vấn đề thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chia thừa kế thì theo quy định của pháp luật, Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 thì: “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai”.

Luật sư Nguyễn Thanh hà giải đáp nhưng thắc mắc liên quan đến quy định về con dấu doanh nghiệp hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong mục tư vấn pháp luật của kênh VITV. Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp Kênh kinh tế tài chính VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về quyền tự chủ về con dấu của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung này thông qua đoạn video sau: